Điện Biên chú trọng phát triển du lịch cộng đồng
Kinhtedothi - Định hướng đến năm 2030, tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng phát triển các điểm du lịch cộng đồng tại các địa phương.
Được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Điện Biên hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ, từ năm 2003, nhiều gia đình trong bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ) thống nhất thực hiện mô hình đón khách lưu trú, tham quan, trải nghiệm. Bà con đã chủ động sửa lại nhà ở để thuận tiện sinh hoạt của thành viên trong gia đình và đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đặc biệt, trong quy chế hoạt động tổ du lịch, bản yêu cầu các gia đình tham gia phải thường xuyên vệ sinh nhà cửa, không gian quanh bản; cử thành viên tham gia đội văn nghệ, đội ẩm thực, đội trình diễn phong tục… để sẵn sàng phục vụ khách tham quan, trải nghiệm.
Với cách làm đó, mô hình du lịch cộng đồng của bản Phiêng Lơi đã hoạt động được 21 năm, giúp nhiều gia đình thoát nghèo; các con, các cháu trong bản đã biết cách tổ chức, sắp xếp phục vụ khách du lịch tại gia đình trong mùa du lịch. Đến thời điểm này, hầu như các gia đình trong Phiêng Lơi đều sẵn sàng đón khách tham quan, trải nghiệm; mô hình du lịch cộng đồng của bản Phiêng Lơi cũng trở thành điển hình cho loại hình du lịch này tại địa phương.

Điện Biên đẩy mạnh phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng để hấp dẫn du khách.
Bản Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc là bản người dân tộc Dao duy nhất trên địa bàn tỉnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, bản sắc văn hóa là điểm nhấn tạo sức hút cho điểm đến.
Khi xây dựng loại hình du lịch, dịch vụ lưu trú, các hộ làm nhà nghỉ cộng đồng vẫn giữ nguyên bản về kiến trúc nhà ở truyền thống. Đó là những ngôi nhà trệt, tường ghép gỗ, lợp mái cọ theo kiến trúc truyền thống ở bản Sưng. Người dân trong bản giữ thói quen dựng nhà sát nhau, không đắp tường ngăn vách mà quây quần đoàn tụ. Tuy nhiên, có cải tạo lại phần nền, thay nền đất bằng nền gạch, sắp đặt các vật dụng trang trí và đồ dùng sinh hoạt sử dụng vật liệu tre, nứa, gỗ tạo sự gần gũi, thân thiện với thiên nhiên.
Bên cạnh đó, bản Sưng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở bản Sưng được quan tâm gìn giữ, phát huy. Chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ khôi phục, phát triển thành tổ nghề dệt thổ cẩm, thu hút 11 thành viên là phụ nữ trong bản tham gia. Nghề dệt cũng trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động: nhuộm chàm, vẽ sáp ong… Ngoài trang phục váy áo, khăn, chị em trong tổ dệt còn tạo ra các sản phẩm với mẫu mã đa dạng như: khăn trải bàn, túi xách, ví… đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mua sắm quà tặng lưu niệm của du khách.
Tại bản Sưng, nét văn hóa dân tộc như viết chữ Dao, lớp học người Dao, hái thuốc thảo dược, tắm lá thảo dược… cũng trở thành sản phẩm du lịch được du khách yêu thích, góp phần tạo nên diện mạo mới mẻ, sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn hơn cho bản người Dao Tiền.
Được biết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa 14, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển các điểm du lịch cộng đồng tại các địa phương.
Hiện, Điện Biên có 19 dân tộc, trong đó 18 dân tộc là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mỗi dân tộc có một tập quán, truyền thống văn hóa riêng chính là thế mạnh thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.
Phát huy lợi thế loại hình du lịch này - du lịch cộng đồng các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2003, tỉnh Điện Biên đã lựa chọn 8 bản của đồng bào dân tộc Thái, gồm: Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, Phiêng Lơi, Mển, Him Lam 2 để xây dựng mô hình bản văn hóa du lịch cộng đồng. Theo đó, mỗi bản lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng đều được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho một số gia đình trong bản có cam kết đón khách lưu trú (ăn ngủ qua đêm).
Cùng với đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Điện Biên còn tổ chức tập huấn cho nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng được lựa chọn từ các bản và hỗ trợ xây dựng, dàn dựng các tiết mục văn nghệ để bà con giao lưu văn hóa, văn nghệ cùng du khách.
Hiện nay, du lịch cộng đồng ở Điện Biên đang được định hướng phát triển theo mô hình lưu trú homestay với kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc nhưng được cải tạo, trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch, các sản phẩm ẩm thực, sản phẩm văn hóa, văn nghệ, sản phẩm trải nghiệm nghề truyền thống, trải nghiệm nông nghiệp... ở những bản văn hóa du lịch giàu tiềm năng.
Đến nay, tỉnh đã có 12 bản văn hóa du lịch, 6 homestay, nổi bật là bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh và bản Che Căn, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ; bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên; bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ. Trong đó, bản Nà Sự là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên ở huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ.
Khi đến với các điểm du lịch cộng đồng tại Điện Biên, du khách được khám phá, trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con; tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thưởng thức ẩm thực địa phương, nghỉ ngơi tại các hộ gia đình. Những hoạt động này góp phần phát huy giá trị văn hóa bản địa, ngày càng thu hút đông du khách, nhất là du khách nước ngoài.

Hà Nội "bắt tay" Thái Nguyên phát triển du lịch cộng đồng
Kinhtedothi- Để hút du khách đến với Thái Nguyên qua đó hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm OCOP đòi hỏi du lịch Thái Nguyên đẩy mạnh liên kết vùng.

Sơn La: liên kết phát triển du lịch tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Kinhtedothi - Sơn La xác định việc liên kết phát triển du lịch giúp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa những người làm du lịch trong tỉnh và xây dựng mối liên hệ hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành trên cả nước.

Nhiều điểm mới tại Hội chợ Du lịch Việt Nam 2025
Kinhtedothi - Sáng 10/4, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội - 91 Trần Hưng Đạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2025), với chủ đề “Phát triển điểm đến Xanh, nâng tầm Du lịch Việt Nam”. Điểm mới trong Hội chợ Du lịch lần này đó là nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững và tiết kiệm...