Điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điện châm kết hợp thủy châm, xoa bóp bấm huyệt giúp người nghiện ma túy nhanh chóng khỏe mạnh, giảm cơn đói ma túy. Phương pháp này đang được Trung tâm Nghiên cứu điều trị cai nghiện ma túy (CNMT) bằng châm cứu thuộc Bệnh viện Châm cứu T.Ư thực hiện với các bệnh nhân nghiện ma túy.

Bệnh nhân đang được bác sĩ Trung tâm Nghiên cứu điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu điều trị nghiện.
Bệnh nhân đang được bác sĩ Trung tâm Nghiên cứu điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu điều trị nghiện.

5 phác đồ điều trị điện châm cai nghiện

Điện châm điều trị hỗ trợ CNMT đối với người có cơn đói ma túy là phương pháp không dùng thuốc của y học cổ truyền bằng tác dụng bồi bổ nguyên khí, điều hòa ngũ tạng, thông khí huyết giúp người bệnh cắt cơn đói ma túy.

Điện châm có tác dụng làm tăng hàm lượng β-endorphin, nếu điện châm đúng phương pháp (đúng thời điểm, đúng phác đồ, kích thích huyết hợp lý) thì sau khi điện châm hàm lượng β-endorphin trong máu người bệnh tăng cao hơn so với ở giai đoạn tiền cơn và hàm lượng đó gần với hàm lượng β-endorphin trong máu người bình thường. Có nghĩa là làm tăng morphin nội sinh trong cơ thể người nghiện ma túy nên có tác dụng hỗ trợ cắt cơn đói ma túy.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu điều trị CNMT bằng châm cứu thông tin: Phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ CNMT được cố Giáo sư - Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tài Thu và các cộng sự Bệnh viện Châm cứu T.Ư nghiên cứu và tìm ra. Phương pháp này được Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH đã cho phép áp dụng ở các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở CNMT có đủ điều kiện theo quy định.

Người bệnh nghiện ma túy (heroin, thuốc phiện, morphin… bằng các phương thức như hút, chích); cộng với quyết tâm tự nguyện CNMT và chấp nhận điều trị hỗ trợ cai nghiện bằng phương pháp điện châm thì sẽ mang lại kết quả.

Khi bệnh nhân đến Trung tâm Nghiên cứu điều trị CNMT bằng châm cứu đăng ký cai nghiện tự nguyện bằng điện châm, các thầy thuốc sẽ khám để phân ra thể loại bệnh. Trung tâm có 5 phác đồ điều trị là: Hội chứng cân – Đờm, Hội chứng Tỳ - vị, Hội chứng Tâm – Tâm bào – Tiểu đường – Tam tiêu, Hội chứng Thận – Bàng quang, Hội chứng Phế - Đại trường.

“Mỗi thể bệnh lại có phác đồ điều trị riêng phù hợp với người bệnh đó. Trường hợp người bệnh đã sử dụng ma túy lâu ngày và dùng nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng đến tạng phủ thì thầy thuốc chữa kết hợp các huyệt. Thông thường các bệnh nhân được điều trị (cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe) ít nhất 10 ngày, nhiều nhất 20 ngày đối với người bị nghiện ma túy nặng và cơ thể suy kiệt nhiều hơn.

Những người nghiện ma túy có cơ thể yếu và kém ăn được điều trị điện châm (dùng kim châm vào các huyệt) và thủy châm (đưa thuốc vitamin vào các huyệt) để nâng cao thể trạng, giúp vượt qua cơn đói ma túy. Trong 3 – 4 ngày đầu điều trị, nếu bệnh nhân khó ngủ thì bác sĩ kê thêm thuốc an thần; bệnh nhân nôn, mất nước sẽ được truyền dịch.

Cần sự quyết tâm của người bệnh

Những năm đầu, khi phương pháp điện châm được triển khai thực hiện, mỗi năm Trung tâm Nghiên cứu điều trị CNMT bằng châm cứu tiếp nhận tới 400 – 500 người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện. Bác sĩ Nguyễn Văn Thủy cho biết, nhiệm vụ của Trung tâm là cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe (giai đoạn 1); giai đoạn 2 chống tái nghiện, tạo việc làm là cộng đồng địa phương thực hiện. Do vậy, bệnh nhân điều trị CNMT bằng điện châm trở về cộng đồng rất cần có môi trường lành mạnh để không bị lôi kéo trở lại nghiện ma túy.

Đã có không ít bệnh nhân cai được ma túy từ mô hình điện châm. Đơn cử, bệnh nhân Vương Duy Miên (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) sau vài lần vấp ngã đã quyết tâm cai được ma túy 17 năm, đang có gia đình hạnh phúc, công việc ổn định, các con chăm ngoan và học giỏi.

“Bác sĩ chỉ điều trị CNMT ban đầu, còn cả quá trình sau này là do người bệnh. Để đoạn tuyệt được với ma túy, đầu tiên mình phải tự tin với bản thân; không gặp gỡ những người nghiện ngập; bỏ uống rượu, bia; duy trì tập thể dục để có sức khỏe tốt; có công việc và phải thương vợ, con” – anh Vương Duy Miên rút ra bài học từ bản thân mình.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thủy, trong thời gian điều trị CNMT bằng điện châm, bệnh nhân không thèm nhớ ma túy. Có những trường hợp khi điều trị xong, 7 – 8 năm sau mới nghiện lại nhưng có người 3 – 4 tháng đã tái nghiện. Ông Thủy theo dõi và thấy, tỷ lệ tái nghiện ma túy và quay trở lại Trung tâm để điều trị tương đối cao. Lý do chính bởi khi trở lại cộng đồng, bệnh nhân bị bạn bè cũ lôi kéo sử dụng ma túy; làm ăn thất bát hoặc vợ chồng cãi nhau thì lại tìm đến ma túy.

Tại một phòng điều trị của Trung tâm Nghiên cứu điều trị CNMT bằng châm cứu, chúng tôi gặp nam bệnh nhân P.N.C (sinh năm 1983, đến từ TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đang được điều trị cai nghiện bằng điện châm. Bệnh nhân có làn da sạm màu, khuôn mặt buồn và cơ thể mệt mỏi bởi những ngày đầu điện châm.

Chị P.N.H là vợ bệnh nhân chia sẻ: "Chồng tôi nghiện ma túy 20 năm. Tôi đã đưa anh đến mấy cơ sở ngoài công lập điều trị nhưng không làm chủ được bản thân. Sau đó, chúng tôi đến Trung tâm Nghiên cứu điều trị CNMT bằng châm cứu điều trị 2 lần, khi trở về nhà thì sức khỏe bình thường và bỏ được ma túy, lần lâu nhất là 5 năm. Cách đây hơn 1 tuần anh ấy gặp vấn đề trong công việc và lại tìm đến heroin... Trung tâm có điều kiện điều trị và chỗ ở khá tốt; các bác sĩ quan tâm động viên bệnh nhân và người nhà. Tuy nhiên, vì là nơi điều trị tự nguyện nên chi phí chữa trị khá cao, 9 - 10 triệu đồng/đợt".

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu điều trị CNMT bằng châm cứu Nguyễn Văn Thủy cho biết, hiện tại Nhà nước mới hỗ trợ cho những người đi cai nghiện tự nguyện trong các cơ sở CNMT công lập. Đa phần các gia đình bệnh nhân điều trị CNMT ở trung tâm ngoài công lập có kinh tế eo hẹp nên rất mong được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Về phía Trung tâm, các cán bộ, nhân viên rất muốn được tạo điều kiện đi tập huấn phương pháp cai nghiện khác và điều trị tâm lý, quản lý người bệnh để góp phần nâng cao hiệu quả điều trị CNMT.