Diễn đàn kinh tế thế giới kết thúc trong mơ hồ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không khí ảm đạm từ diễn đàn năm ngoái, diễn ra vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế, đã được thay thế bằng sự hài lòng nhất định rằng, phục hồi, dù khiêm tốn và chưa chắc chắn, vẫn đang diễn ra.

KTĐT - Không khí ảm đạm từ diễn đàn năm ngoái, diễn ra vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế, đã được thay thế bằng sự hài lòng nhất định rằng, phục hồi, dù khiêm tốn và chưa chắc chắn, vẫn đang diễn ra.

Lần nhóm họp mới đây nhất của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ thế giới đã kết thúc 5 ngày làm việc hôm 31/1, với sự nhất chí rộng rãi rằng, sự phục hồi yếu ớt đang diễn ra, nhưng còn về điều gì sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm và ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế khác thì vẫn chưa được thống nhất.

Cuộc gặp của khoảng 2.500 con người uy tín trên thế giới tại khu nghỉ dưỡng trên núi An-pơ, Thụy Sỹ, đã chứng kiến cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu điều tiết nền tài chính mạnh tay hơn nữa có cần thiết và về biện pháp hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp và tìm ra phương cách thúc đẩy phục hồi vững chắc hơn.

Không khí ảm đạm từ diễn đàn năm ngoái, diễn ra vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế, đã được thay thế bằng sự hài lòng nhất định rằng, phục hồi, dù khiêm tốn và chưa chắc chắn, vẫn đang diễn ra, bên cạnh những băn khoăn về việc nên đi tiếp con đường nào và cách ứng phó của các ngân hàng phải ra sao.

Giám đốc điều hành Ngân hàng Deutsche, Josef Ackermann, cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế đã qua đi và hiện đang được khắc phục "khá tốt" nhưng các nhà làm chính sách giờ đây phải đứng trước lựa chọn khó khăn: "Liệu chúng ta có nên chấp nhận thêm rủi ro, cứ thúc đẩy tăng trưởng, hay chúng ta nên tập trung vào đảm bảo an toàn trước" Peter Sands, giám đốc điều hành Britain’s Standard Chartered Bank, nói, cần phải đạt đến sự cân bằng hợp lý giữa hệ thống ngân hàng an toàn hơn và một hệ thống tài chính có thể làm gia tăng động lực và tăng trưởng trong việc làm".

"Nếu chúng ta lựa chọn thúc đẩy tăng trưởng không thích hợp thì chúng ta sẽ có nguy cơ phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng mới; còn nếu cứ tìm cách bảo đảm an toàn không đúng cách, chúng ta sẽ đánh mất sự phục hồi và làm giảm cơ hội tạo việc làm mới".

Tại Davos, những sự chú ý thường xoay quanh sự các câu chuyện kinh tế và vấn đề toàn cầu khác. "Tiêu điểm" tại những diễn đàn lần trước là các vị khách nổi tiếng như Angelina Jolie và Bono, nhưng năm nay lại rơi vào các chủ ngân hàng lớn và các nhà điều tiết tài chính của chính phủ. Nhiều người tham dự đã phê bình sự vắng mặt của các nhân vật cấp cao của chính quyền Obama. Quan chức cấp cao nhất từ nước Mỹ là Lawrence H. Summers, giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Nhà Trắng.

Trong một bài diễn văn quan trọng, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi cần phải quay trở lại với tính đạo đức và trách nhiệm trong kinh doanh và phản đối chủ nghĩa tư bản thị trường tự do.

Sau bài diễn văn của tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, hôm qua (27/1) tại Davos, tố cáo những hoạt động "lệch hướng" của chủ nghĩa tư bản, cụ thể là của giới ngân hàng tài chính quốc tế, đến lượt tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak lên tiếng kêu gọi phải cải tổ hệ thống ngân hàng và chuẩn bị cho thời kỳ hậu khủng hoảng.

Theo tổng thống Hàn Quốc, các ngân hàng không nên chống lại những biện pháp cải cách và nên chủ động tham gia, đưa ra sáng kiến cải cách. Ông cho rằng cần phải có những thay đổi rõ rệt và mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng

Klaus Schwab, người sáng lập diễn đàn, đã tổng kết cuộc họp bằng việc kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ hãy cân nhắc các giá trị và trách nhiệm xã hội, mà thực tế, đã có những người đi đầu cho hướng đi này.

Nhiều người cho rằng, kết quả thực tế nhất tại Davos có lẽ là một loạt các cam kết nhân đạo.

Người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates và vợ là Melinda đã đưa ra tuyên bố đáng chú ý nhất, cam kết sẽ chi 10 tỷ USD trong 10 năm tới để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và phân phối các loại vắc-xin tới những nước nghèo nhất thế giới.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng hứa hoặc họ, hoặc các công ty họ, sẽ giúp Haiti đối phó với hậu quả trận động đất.

Còn cuộc gặp được cho là quan trọng nhất lại diễn ra không dự kiến. Vào thứ 7 (30/1), bên lề diễn đàn, các nhà điều tiết của chính phủ, bộ trưởng tài chính và những người đứng đầu ngân hàng trung ương từ Mỹ và châu Âu đã đề ra những kế hoạch cải cách nền tài chính trong cuộc họp kéo dài 2 giờ với giới chủ các ngân hàng.

Sands đã gọi cuộc thảo luận đó và các cuộc gặp khác là "rất xây dựng", nhưng nói rằng, "họ vẫn chưa thể giải quyết được các vấn đề, nhưng chắc chắn, tôi nghĩ, họ sẽ đẩy mạnh mẽ giải quyết các vấn đề". Ackermann còn ca ngợi những nền kinh tế lớn vì đã mở rộng nhóm G-8 thành G-20. Ông nói rằng nên có một nhóm doanh nghiệp G-20 để đồng hành cùng họ và tập trung vào các vấn đề doanh nghiệp.

Với việc Trung Quốc và Ấn Độ đang được cho là hai trong số những đầu tàu vực dậy nền kinh tế toàn cầu, Azim Premji, chủ tịch Wipro Limited, Ấn Độ, một công ty truyền thông toàn cầu đã dự đoán rằng sự khác biệt trong tăng trưởng giữa các nước phát triển và đang phát triển "đang ngày càng trở nên lớn hơn". Kết quả là, các nước giàu hơn sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn vào các nền kinh tế mới nổi để duy trì tăng trưởng của chính mình, điều này sẽ tốt cho những nước mới nổi. Muhammad Yunus, giám đốc điều hành Grameen Bank, đi đầu trong lĩnh vực tín dụng nhỏ (microcredit) và giành giải Nobel Hòa bình năm 2006, nói trong cuộc phỏng vấn rằng, "đây là thời gian thích hợp để cơ cấu lại toàn bộ hệ thống tài chính".

Đây không phải là một năm bình thường tại Davos - không có nhiều kết quả, mà chỉ có những sự gay gắt trong các cuộc thảo luận.