70 năm giải phóng Thủ đô

Diễn đàn M&A Việt Nam 2020: Nhà đầu tư ẩn mình chờ thời

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia tại Diễn đàn M&A Việt Nam tổ chức ngày 24/11, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam thời gian tới sẽ hồi phục mạnh mẽ do nhà đầu tư đang trong giai đoạn “ẩn mình” để chờ một số điều kiện và tiền đề cần thiết.

Triển vọng tích cực
Theo Báo cáo thị trường M&A Việt Nam 2019 - 2020, trong giai đoạn 6/2019 - 10/2020, các ngành chủ yếu thu hút thương vụ M&A là bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ, logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng. Điểm sáng đáng chú ý trong thời gian qua là việc các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam tiến hành tái cấu trúc, mở rộng hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước. Hàng loạt thương vụ được thực hiện bởi các tập đoàn Việt Nam như: Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group… Tuy vậy, sự thiếu vắng các thương vụ đình đám khiến giá trị thị trường M&A Việt Nam năm 2020 đang giảm đáng kể so với năm trước. Theo dự báo của Diễn đàn M&A Việt Nam, năm nay thị trường M&A nội địa chỉ có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Theo Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh - Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2020, triển vọng của Việt Nam được đánh giá là rất tích cực, nhờ những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hiệu quả kiểm soát dịch bệnh và khả năng tranh thủ thời cơ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển.
 Dây chuyền sản xuất ghế ô tô tại nhà máy Thaco Chu Lai.  Ảnh: Việt Dũng
Cùng chung nhận định trên, ông Đặng Xuân Minh - thành viên nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A dự báo, hoạt động M&A có thể tăng trở lại từ giữa năm 2021, khi kinh tế phục hồi và dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ hơn. Quy mô thị trường có thể sớm trở lại mức 5 tỷ USD. Cũng theo ông Đặng Xuân Minh, Việt Nam đang nổi lên là một địa điểm được các tập đoàn DN ưu tiên lựa chọn để định vị lại chuỗi sản xuất của mình.

Khảo sát của Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 ghi nhận, hiện rất nhiều tổ chức, cá nhân với tư cách là các nhà tư vấn, bên mua và bên bán đều đang trải qua thời gian khá bận rộn để đưa các thương vụ đến điểm chốt, bất chấp những bất tiện nhất định về giao tiếp và gặp gỡ. Vì vậy, một sự trỗi dậy về quy mô và giá trị thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam dường như đang được rất nhiều người chờ đón trong thời gian tới, chỉ còn chờ một số điều kiện và tiền đề cần thiết.

Sự trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới

Cũng tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục từ giữa năm 2021 nhờ nhiều chính sách quan trọng của Chính phủ. Trong năm 2020, Bộ KH&ĐT đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường; tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.

Đáng chú ý, lần đầu tiên, danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn - bỏ. Đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách trên. Kỳ vọng vào các hiệp định thương mại mới được ký kết, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhìn nhận, RCEP cùng với EVFTA hay CPTPP chắc chắn sẽ tạo thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực cũng như toàn cầu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các hoạt động thương mại, đầu tư bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Theo Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập (CMAC), thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021. Tuy vậy, cùng với các ngành truyền thống, dòng vốn M&A sẽ phân nhánh đổ vào các ngành, lĩnh vực mới nổi như viễn thông - công nghệ, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục…

Các thương vụ M&A và Đầu tư tiêu biểu 2019 - 2020:

Masan và công ty thành viên với các thương vụ với VinCommerce, Starck, NET, 3F,

BIDV bán cổ phần cho KEB Hana Bank,

KKR&Temasek mua cổ phần Vinhomes,

Stark Corporation mua lại Thipha Cables & Dovina,

Sumitomo mua cổ phần Bảo Việt,

Danh Khôi Holdings nhận chuyển nhượng dự án Sun Frontier,

Aozora đầu tư vào OCB,

Bảo hiểm FWD mua lại Bảo hiểm VCLI,

Pharmacity phát hành cho nhà đầu tư,

Vinamilk&GTN sở hữu Mộc Châu Milk.