Ảnh minh họa
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ năm làm diễn giả chính tại diễn đàn này theo truyền thống có từ năm 2009.
Sau phiên khai mạc, Đối thoại Shangri-La 2013 sẽ được chia thành các phiên toàn thể, đồng thời lại được chia thành các phần nhỏ.
Năm phiên thảo luận toàn thể tại Đối thoại năm nay sẽ xoay quanh các chủ đề: Cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh khu vực, bảo vệ lợi ích quốc gia đi đôi với ngăn ngừa xung đột, hiện đại hóa quân sự và minh bạch hóa chiến lược, các xu thế mới trong nền an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và tăng cường hợp tác quốc phòng trong khu vực.
Ngoài ra, còn có 6 phiên họp đặc biệt vào chiều 1/6, về các chủ đề nóng bỏng đối với an ninh khu vực hiện nay: Ngăn ngừa sự cố trên biển, phòng thủ tên lửa, ngoại giao quốc phòng và ngăn ngừa xung đột, công nghệ quân sự mới, tình hình Apganistan và sự phát triển của mạng với an ninh châu Á.
Trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp, Đối thoại Shangri-La ngày càng phát huy vai trò là một kênh trao đổi quan trọng, thu hút sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao, tướng lĩnh, giới học giả, giới ngoại giao đến từ các nước trong và ngoài khu vực .
Việc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính với bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 cho thấy vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Dư luận đang trông chờ, đón nghe bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và như TS John Chipman, Tổng Giám đốc IISS, khẳng định: "Chúng tôi thực sự tự hào vì năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận lời phát biểu chính tại Đối thoại, đồng thời rất mong chờ bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để hiểu hơn về những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với châu Á-Thái Bình Dương”.
GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định: Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp (của Việt Nam), một vị Thủ tướng sẽ đề cập đến toàn bộ ba vấn đề, gồm chính sách ngoại giao, an ninh quốc gia và vấn đề chính sách quốc phòng. Ông sẽ giới thiệu với những người tham dự cuộc Đối thoại một cái nhìn tổng thể về Việt Nam, không chỉ bao gồm vấn đề Biển Đông mà còn mang tính toàn cầu và vai trò của Việt Nam.
Ông Chipman đánh giá: “Việt Nam là một nước lớn và quan trọng ở Đông Nam Á. Các nước đều rất ủng hộ chính sách ngày càng đa phương hóa, đa dạng hóa mà Việt Nam đang triển khai, không chỉ trong nội bộ ASEAN, mà cả với các đối tác chủ chốt ở châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác.
Nếu xét dưới góc độ chính sách đối ngoại, với nền kinh tế ngày càng lớn mạnh, Việt Nam đang xây dựng những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong cộng đồng thương mại. Trong bối cảnh đó, không chỉ có các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn nhiều khu vực khác trên thế giới mong muốn đầu tư vào Việt Nam”.