Hòa bình lập lại, chính quyền và Nhân dân xã Nam Sơn bắt tay vào công cuộc tái thiết quê hương. Miền quê cách mạng năm xưa đang vươn mình mạnh mẽ cùng sự đổi thay của đất nước.
Hy sinh tuổi xuân vì đất nướcMột ngày đầu Đông, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Điềm, nguyên cán bộ phụ trách Đội Thanh thiếu niên cứu quốc, cán bộ tiền khởi nghĩa, hiện là thương binh hạng 3/4. Dù đã gần 90 tuổi, nhưng ông Trần Điềm vẫn còn rất minh mẫn.
Nhớ lại hơn 70 năm trước, ông Trần Điềm nói: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Nam Sơn là vùng tự do, giáp ranh với khu vực bị Pháp tạm chiếm, thường xuyên bị vây ráp, càn quét. Với địa hình hiểm trở, địa thế ba mặt giáp rừng núi, xã Nam Sơn là địa bàn chiến lược quân sự quan trọng, nơi các lãnh đạo T.Ư, Xứ ủy được tổ chức Đảng phân công về hoạt động cách mạng.Dù là xã rất nghèo, nhưng nhiều thanh niên địa phương đã sớm giác ngộ cách mạng. “Chân trần, tay cuốc, tay xẻng, đôi khi mang thêm cả lồng chim để ngụy trang, chúng tôi đi từ làng này sang làng khác để rải truyền đơn, kêu gọi đấu tranh cách mạng…” – ông Trần Điềm nhớ lại những ngày còn kháng chiến.Sau khi Cơ sở Việt Minh Xuân Bảng được thành lập, xã Nam Sơn trở thành cứ điểm hoạt động cách mạng vững chắc, nơi đóng quân của Trạm thương binh 120, có chức năng chăm sóc sức khỏe cho các thương bệnh binh. Các hộ gia đình trên địa bàn xã đã góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm nuôi bộ đội, nhường nhà và dựng thêm lán cho thương binh; không ngại hiểm nguy, nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng của Đảng…Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu quốc, hàng nghìn thanh niên xã Nam Sơn đã lên đường nhập ngũ, đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Hàng trăm người con xã Nam Sơn đã ngã xuống, hy sinh tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong đó, nhiều người đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng.Tiếp bước truyền thống anh hùngHai cuộc kháng chiến đi qua để lại nhiều hậu quả nặng nề cho “căn cứ kháng chiến” năm xưa. Làng mạc tiêu điều, xóm làng xơ xác. Mảnh đất Nam Sơn in hằn những vết cày xới của bom đạn. Nhưng bằng ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết được vun đúc từ trong khói lửa đau thương, chính quyền và Nhân dân xã Nam Sơn đã cùng bắt tay vào công cuộc tái thiết quê hương. Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Nam Sơn đã huy động được tổng kinh phí gần 418 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng Nhân dân địa phương vẫn chung sức, đóng góp khoảng 67 tỷ đồng cùng hàng vạn ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, trồng cây xanh, đường hoa, lắp đặt đường điện thắp sáng làng quê… Tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” là các hộ gia đình: Ông Trần Xuân Vĩnh (thôn Thanh Hà), Phạm Văn Thông (thôn Liên Xuân), Vũ Văn Thu (thôn Hoa Sơn)…Với những đóng góp quan trọng của Nhân dân, đến nay, xã Nam Sơn đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp giúp miền quê cách mạng nghèo năm xưa như “thay da đổi thịt”. Đặc biệt, việc phát triển đa loại hình kinh tế, thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo đã giúp đời sống của người dân xã Nam Sơn không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt gần 40 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,9%.Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Quang Hòa cho biết, trong giai đoạn phát triển mới, địa phương sẽ tiếp tục phát huy nội lực, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020”. Cùng với triển khai nghiêm túc các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội qua từng năm, địa phương sẽ xây dựng và thực hiện quy chế khai thác, bảo đảm hiệu quả các công trình hạ tầng. Ông Hòa cũng vui mừng cho biết, mới đây, dự án du lịch sinh thái “Thung lũng xanh” đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Đây sẽ là cơ hội lớn để miền quê cách mạng dưới chân núi Sóc Sơn có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.