Đây được xem là một trong những biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của taxi truyền thống trước sức ép ngày càng lớn từ taxi công nghệ, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề xung quanh cần xem xét kỹ.Có lợi cho hành kháchTrưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long xác nhận, những ngày qua đã có một số hãng taxi truyền thống nộp phương án điều chỉnh cước hoặc phương án ứng dụng công nghệ vào gọi đặt xe taxi, có kèm đề xuất về điều chỉnh cước linh hoạt theo giờ. Cụ thể, các DN đề xuất giảm giá cước trong giờ thấp điểm, còn giờ cao điểm sẽ giữ nguyên mức thu hiện nay, dao động từ khoảng 9.500 - 11.000 đồng/km.
Phụ trách chiến lược kinh doanh của Taxi Thành Đô Trần Thị Thu Trang cho biết, hãng đã đề xuất mức giảm từ 28 - 31,8% cước trong giờ thấp điểm (từ 8 giờ 30 phút - 16 giờ) với loại xe taxi 5 chỗ ngồi. Đây sẽ là một lợi thế để taxi truyền thống cạnh tranh với Uber, Grab trong bối cảnh khó khăn này.Trao đổi về vấn đề này, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Mai Linh Open Nguyễn Công Hùng, hiện mức cước của Uber vào khoảng 7.000 - 8.500 đồng/km giờ thấp điểm, nhưng giờ cao điểm có thể tăng gấp 2 - 3 lần. Grab cũng tương tự. Nếu taxi truyền thống điều chỉnh cước giờ thấp điểm tương đương giá cước Uber, Grab, còn giờ cao điểm giữ nguyên thì chắc chắn sẽ rẻ hơn.Đại diện Sở GTVT cũng đánh giá, điều chỉnh cước linh hoạt sẽ là một lợi thế lớn của taxi truyền thống trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với taxi công nghệ, và người được lợi lớn nhất là hành khách. Ủng hộ và khuyến khích các hãng taxi truyền thống nghiên cứu, xây dựng phương án giá linh hoạt theo giờ, Sở GTVT cũng cho hay, với đề xuất thông qua ứng dụng kết nối trên internet để linh hoạt giá cước thì có thể thực hiện ngay nếu DN thuộc diện được tham gia thí điểm. Tuy nhiên, với những đề xuất tính cước trực tiếp trên đồng hồ taxi thì vẫn còn băn khoăn.Thiếu hành lang pháp lýMới đây, hãng Taxi Thành Đô đã phải 3 lần gửi văn bản, hồ sơ đến Sở GTVT Hà Nội về việc đề xuất điều chỉnh giá cước linh hoạt. Lý giải vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GTVT Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, Taxi Thành Đô gửi văn bản, hồ sơ đề xuất không theo biểu mẫu do Bộ Tài chính quy định. Do đó, Sở đã lần lượt có các văn bản trả lời, hướng dẫn cụ thể để DN làm lại. “Thực tế là việc kê khai, xác định giá cước từ lâu đã do DN tự thực hiện, Sở GTVT chỉ tiếp nhận thông tin để quản lý, nên nói Sở gây khó khăn, không cho điều chỉnh là không chính xác” - bà Thủy khẳng định. Đồng thời cho biết, đối với loại hình taxi truyền thống, hiện vẫn chưa có khung pháp lý, quy định rõ ràng về việc điều chỉnh cước linh hoạt theo giờ. Từ trường hợp này có thể thấy, việc điều chỉnh cước taxi linh hoạt theo giờ là tốt, tuy nhiên, để tránh những bất cập như việc thí điểm taxi công nghệ, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể ngay từ đầu.Theo các chuyên gia, do vẫn tính tiền trên đồng hồ trực tiếp nên việc cài đặt các bước cước trong nhiều khung giờ khác nhau cũng sẽ rất phức tạp, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ của cả DN lẫn cơ quan chức năng, tránh sự nhập nhằng, thiệt thòi cho hành khách. Ông Nguyễn Công Hùng chia sẻ: “Theo quy định, đồng hồ tính tiền của taxi truyền thống phải được kiểm định kỹ thuật, kẹp chì, niêm phong. Do đó, việc điều chỉnh các bước cước trên đồng hồ theo từng giai đoạn: Ngày, tuần, tháng hoặc khi giá nhiên liệu tăng giảm chẳng hạn sẽ gặp nhiều khó khăn về vấn đề kỹ thuật, thậm chí phát sinh chi phí. Muốn chính xác, minh bạch và thực sự linh hoạt thì cứ dùng ứng dụng đặt gọi xe là tốt nhất”.Đảm bảo minh bạchPhụ trách chiến lược kinh doanh của Taxi Thành Đô Trần Thị Thu Trang cho hay: “Hiện, chúng tôi đã thử nghiệm thu cước linh hoạt trên 1 xe và nhận được phản hồi rất tốt của khách hàng. Việc điều chỉnh có thể thực hiện hoàn toàn trên đồng hồ tính cước của mỗi xe”. Tuy nhiên, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, phương thức tính cước của taxi truyền thống và taxi công nghệ khác nhau về cơ bản. Taxi công nghệ là báo giá trước, khách hàng có đồng ý thì mới lên xe, còn taxi truyền thống là đi hết quãng đường mới tính ra tổng tiền cước. “Vì vậy vẫn có thể có kẽ hở, nhất là khi DN tự chủ động trong việc điều chỉnh đồng hồ, bước cước” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định.Chia sẻ quan điểm này, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long bày tỏ: “Sở vẫn chấp thuận để DN điều chỉnh cước linh hoạt theo giờ, nhưng vấn đề mà chúng tôi băn khoăn nhất là sự minh bạch, người dân cũng cần nhất là được bảo đảm quyền lợi khi đi taxi”. Hiện vẫn chưa có các quy định về quản lý đồng hồ và niêm yết giá cước theo phương thức điều chỉnh linh hoạt. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh taxi truyền thống đang chịu sức ép cạnh tranh cực lớn như hiện nay, việc cho phép DN điều chỉnh cước để nâng cao năng lực cạnh tranh là đúng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải nhanh chóng xây dựng các quy định đối với loại hình này để quản lý. Đặc biệt, việc kiểm định đồng hồ phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc để đảm bảo minh bạch. Xe taxi truyền thống cũng phải niêm yết rõ ràng khung giá cước mới để hành khách lựa chọn.
"Hiện, vẫn chưa có các quy định cụ thể để quản lý hoạt động điều chỉnh cước linh hoạt theo giờ, do đó, Sở GTVT sẽ còn phải xem xét, giám sát thêm để đảm bảo thực sự minh bạch, có lợi cho người dân." -Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện |