Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân:

Điều chỉnh thời gian làm thêm lên 60 giờ/tháng là chính đáng

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua điều chỉnh thời giờ làm thêm của người lao động (NLĐ) không quá 60 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm. Phóng viên KT&ĐT đã phỏng vấn nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân xoay quanh nội dung này.

Thưa ông, chiều nay 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của NLĐ. Ông có ý kiến gì về đề xuất của Chính phủ nâng thời gian làm thêm của NLĐ không quá 60 giờ/tháng (trừ một số trường hợp) và 300 giờ/năm?

- Làm thêm giờ không phải là vấn đề mới. Nhưng đây là vấn đề thời sự cho nên lần nào sửa luật, nội dung làm thêm giờ cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Về phía DN rất mong muốn có linh hoạt trong sử dụng làm thêm giờ để tăng năng suất lao động, giải quyết tồn động đơn hàng trong sản xuất kinh doanh. Nếu tăng giờ làm thêm thì cũng là hiệu quả của sản xuất, các chi phí sẽ tiết kiệm hơn. Về phía NLĐ, có một bộ phận muốn làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Đó là mặt thuận. Nhưng mặt không thuận, đó là vấn đề thể chất người Việt Nam, làm thêm giờ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay đang thiếu lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức trần giờ làm thêm lên tối đa 60 giờ/tháng (trừ một số trường hợp) là chính đáng, để phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid-19. 
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay đang thiếu lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức trần giờ làm thêm lên tối đa 60 giờ/tháng (trừ một số trường hợp) là chính đáng, để phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid-19. 

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay đang thiếu lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của NLĐ, cụ thể là nâng trần giờ làm thêm từ 40 giờ/tháng lên 60 giờ/tháng và mở rộng thêm các ngành nghề là chính đáng, để phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid-19. Cũng như, đáp ứng được yêu cầu của DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Một số trường hợp không áp dụng làm thêm giờ cũng là phù hợp để nhằm bảo đảm sức khỏe và an toàn lao động.

Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của NLĐ thì các DN sẽ triển khai thực hiện ra sao, thưa ông?

- Dự thảo Nghị quyết thông qua việc điều chỉnh thời giờ làm thêm lên không quá 60 giờ/tháng là mức tối đa. Còn số giờ làm thêm cụ thể thì giữa NLĐ và người sử dụng lao động phải cân nhắc. Bản thân NLĐ nếu thấy sức khỏe không đảm bảo thì có thể trao đổi với công đoàn, DN. Hơn nữa, thời gian làm thêm tối đa 60 giờ/tháng chỉ dồn trong ít tháng, vì tổng thời gian làm thêm trong năm không được vượt quá mức 300 giờ.

Doanh nghiệp mong muốn được nâng số giờ làm thêm để tăng năng suất lao động, giải quyết tồn động đơn hàng; người lao động muốn làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Phạm Hùng.
Doanh nghiệp mong muốn được nâng số giờ làm thêm để tăng năng suất lao động, giải quyết tồn động đơn hàng; người lao động muốn làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Phạm Hùng.

Làm sao để kiểm soát DN không vượt mức trần quy định làm thêm 60 giờ/tháng, thưa ông?

- Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh thời gian làm thêm lên 60 giờ/tháng là nguyên tắc chung. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ/năm có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ/tháng. Như vậy, DN và NLĐ phải thỏa thuận với nhau, trả lương làm thêm giờ theo đúng quy định của pháp luật. Và trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi đảm bảo cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Vì thế, khi quy định về làm thêm giờ đi vào thực tế từng DN, có NLĐ khỏe, NLĐ yếu; trong vấn đề này, tổ chức công đoàn, DN và NLĐ cần xem xét số giờ cụ thể cho phù hợp. Ngoài ra, các tổ chức xã hội khác tăng cường thanh tra, giám sát. Không chỉ vậy, những tập đoàn, DN lớn sản xuất hàng xuất khẩu còn có đối tác giám sát, nếu vi phạm quy định sẽ bị phạt, thậm chí hủy đơn hàng.

Xin cảm ơn ông!