Điều gì chờ đợi chứng khoán Việt Nam sau quyết định của FED?

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự quyết liệt của FED với mục tiêu kiểm soát lạm phát và các vấn đề của Trung Quốc sẽ là những rủi ro giảm đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thanh khoản yếu, dòng tiền chưa sẵn sàng

Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 20/9, VN-Index tăng 13,5 điểm (1,12%) lên 1.218,93 điểm, HNX-Index tăng 2,65 điểm (1%) đạt 266,91 điểm, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (0,2%) lên 88,51 điểm.

Trong phiên này, nhóm ngân hàng, hoá chất, chứng khoán và bất động sản đóng góp tích cực nhất cho đà hồi phục của chỉ số chính. BID, VIC, GVR, CTG là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến đà tăng của VN-Index. Tính riêng BID và VIC đã góp hơn 2 điểm cho chỉ số này. Trong khi đó, BCM, NVL, VCG là những mã có tác động tiêu cực nhất. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng là không lớn.

Các nhóm ngành có sự hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch, nổi bật là ngành chứng khoán khi dẫn đầu đà tăng trên thị trường. Cổ phiếu tiêu biểu có thể kể tới như VND leo dốc 5.52%, SSI tăng mạnh 4.02%. Các cổ phiếu khác như VCI, HCM, VIX hay SHS cùng có phiên giao dịch sôi động với mức tăng tốt.

Điều đáng nói, trong phiên này, tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.164 tỷ đồng, giảm 36% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 36% và đạt 9.559 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng khoảng hơn 400 tỷ đồng trên HoSE. Với việc thanh khoản suy yếu cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng trở lại thị trường.

Theo các chuyên gia, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn bi quan với xu hướng hiện tại. Có thể thấy, dù thị trường có gần chục phiên giao dịch với chu kỳ thanh toán T+2 và “giờ vàng” được các nhà đầu tư chờ đợi chuyển sang phiên chiều. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng khi liên tục các đợt xả mạnh xuất hiện tạo cảm giác “quy luật” trên thị trường đang thay đổi, và không ít nhà đầu tư cảm thấy bất an cũng như thất vọng, bực tức...

Kỳ vọng dòng tiền ngoại

Theo Công ty Chứng khoán KBSV, rủi ro ngoại biên hiện đang là yếu tố chi phối thị trường chứng khoán trong nước, trong bối cảnh thông tin vĩ mô tương đối trầm lắng, còn mùa báo cáo lợi nhuận hay số liệu vĩ mô quý 3 vẫn còn cách vài tuần.

Tâm điểm của các yếu tố ngoại biên sẽ đến từ đợt tăng lãi suất của FED ngày hôm nay 21/9, với mức tăng kỳ vọng 0,75% (xác suất 86% theo CME Group).

Trong kịch bản FED tăng lãi suất ở mức 0,75%, thị trường sẽ chịu áp lực điều chỉnh nhẹ do điều này phù hợp với dự báo và yếu tố tác động mạnh hơn sẽ đến từ biên bản cuộc họp hay các phát biểu của quan chức FED để thị trường có cơ sở tiếp tục đánh giá động thái của FED cho kỳ họp tháng 11 và 12.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề của Trung Quốc sẽ là những rủi ro giảm đối với thị trường. Các chính sách Zero-covid nhất quán và đợt hạn hán gần đây, sẽ không chỉ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia này mà còn gián tiếp gây thêm áp lực lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu ở hiện tại, vốn đang trở nên ảm đạm do Covid và lạm phát.

Tuy nhiên, bất chấp triển vọng ảm đạm toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy sự phục hồi bền bỉ, giúp Việt Nam Đồng giảm giá ít hơn so với các đồng nội tệ khác trong khu vực như Thái Lan, Phillipines, Malaysia, và Indonesia.

Do đó, nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục quay trở lại Việt Nam như ghi nhận trong 5 tháng gần đây.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, hiện tại vùng hỗ trợ tâm lý của VN-Index là 1,200 - 1,211 điểm tương ứng giá cao nhất năm 2018. Trong ngắn hạn VN-Index vẫn giao dịch dưới xu hướng giảm giá với vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 -1.211 điểm, vùng kháng cự quanh 1,228 - 1,235 điểm. Cần có lực cầu mạnh mới có thể kỳ vọng chỉ số vượt được vùng kháng cự này khi phục hồi trong những phiên tới.

Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mới xem xét gia tăng thêm tỷ trọng đầu tư đối với những mã có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần