Khối ngoại tiếp đà mua ròng, thanh khoản duy trì cao, VN-Index liệu đã thoát đáy?
Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Việt Nam kết phiên giao dịch ngày 6/5 với diễn biến giằng co, khi lực cầu và áp lực chốt lời gần như cân bằng.
Khối ngoại tiếp đà mua ròng
Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 1,90 điểm (0,15%) lên mức 1.241,95 điểm. Thanh khoản duy trì cao, với giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt khoảng 17.847 tỷ đồng – cải thiện mạnh so với phiên trước, cho thấy dòng tiền vẫn hiện diện tích cực.

Tại nhóm VN30, giao dịch sôi động nhưng sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu khiến chỉ số này lùi nhẹ 0,75 điểm, về 1.319,66 điểm. Một số mã như GAS, TCB, VPB, VIC và HVN hỗ trợ thị trường, trong khi GVR, HPG, STB và LPB gây áp lực điều chỉnh.
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ hai liên tiếp với tổng giá trị hơn 81 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HoSE, giá trị mua ròng đạt gần 74 tỷ đồng. Cổ phiếu VRE dẫn đầu chiều mua với giá trị ròng lên đến 99 tỷ đồng, tiếp theo là NVL (55 tỷ đồng), VCI, CTG và FPT với giá trị từ 35-46 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, GMD và VCB là hai mã bị bán ròng mạnh nhất, lần lượt 58 tỷ và 55 tỷ đồng. Ngoài ra, VPB, MWG, LPB cũng bị bán ròng hàng chục tỷ đồng.
Xét theo ngành, cổ phiếu viễn thông và tiêu dùng thu hút dòng tiền rõ nét. VGI tăng 2,79%, FOX tăng 1,22%; nhóm hàng cá nhân và gia dụng ghi nhận mức tăng mạnh với GIL tăng 4,24%, PNJ gần 4%.
Ngành công nghệ, du lịch, dầu khí cũng có diễn biến tích cực. HVN tăng mạnh 3,23% bất chấp kết quả kinh doanh còn nhiều thách thức, trong khi PDR, SJS và SID ghi nhận mức tăng trên 3%, đón đầu làn sóng phục hồi ngành dịch vụ. Ngành công nghệ thông tin tăng 1,15% nhờ sự dẫn dắt của các mã đầu ngành như FPT tăng 1,01%, CMG tăng 2,94% và ELC tăng 3,72%, phản ánh xu hướng đầu tư vào công nghệ vẫn được duy trì ổn định.
Trong khi đó, nhóm dầu khí bật tăng 1,58% khi giá dầu thế giới phục hồi. BSR tăng 2,48%, PVD cộng 2,27% và PVS nhích 1,15%, cho thấy kỳ vọng vào chu kỳ đầu tư mới trong ngành năng lượng.
Ngược lại, chứng khoán, hóa chất và xây dựng điều chỉnh nhẹ sau chuỗi tăng điểm trước đó. Chủ yếu do áp lực bán từ các mã như VND (-1,35%), VIX (-1,21%) và EVF (-2,53%). Tuy vậy, nhóm này vẫn có nhiều điểm sáng như BCG (+4,78%) và AAS (+4,05%), cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các công ty chứng khoán.
Sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và dòng tiền có chọn lọc cho thấy tâm lý thị trường đang ổn định, dù nhà đầu tư vẫn giữ sự thận trọng trong ngắn hạn.
Cổ phiếu VNZ được gom mạnh sau khi công bố báo cáo tài chính quý I
Công ty Cổ phần VNG (mã VNZ – HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với doanh thu thuần đạt 2.232 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn âm 15 tỷ đồng, dù đã giảm đáng kể so với mức lỗ hơn 31 tỷ đồng của quý I/2024.
Trong ba tháng đầu năm, VNG đóng góp 391,5 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh vào các mảng chiến lược như AI, game, tài chính số và chuyển đổi số quốc gia.
Ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, GreenNode – đơn vị hạ tầng công nghệ của VNG – phối hợp cùng NVIDIA tổ chức chuỗi hội thảo chuyên sâu tại Hà Nội và TP.HCM, tập trung vào ứng dụng AI trong tài chính – ngân hàng. Đáng chú ý, GreenNode AI Lab công bố GN-TRVN – bộ dữ liệu đầu tiên hỗ trợ AI xử lý bảng dữ liệu tiếng Việt.
Zalo – nền tảng thuộc VNG – cũng đánh dấu bước tiến lớn khi phát triển thành công mô hình ngôn ngữ lớn KiLM-13b v24.7.1, đạt 66,07 điểm, chỉ xếp sau Llama-3 70B của Meta trong báo cáo LLM tiếng Việt 2024. Khoảng 20% người dùng thường xuyên của Zalo đã trải nghiệm các tính năng AI như chuyển văn bản thành giọng nói, soạn thảo và dịch tin nhắn. Chatbot Kiki Info ghi nhận gần 500.000 câu hỏi chỉ sau vài ngày ra mắt.
Mảng game tiếp tục là nguồn thu chủ lực với tổng bookings đạt 1.666 tỷ đồng, trong đó 20% đến từ thị trường quốc tế. Tựa game The Play of Genesis gây ấn tượng tại Đài Loan, còn LineAge 2M dự kiến phát hành toàn Đông Nam Á trong quý II, kỳ vọng trở thành cú hích tăng trưởng mới cho VNGGames.
Trong khi đó, doanh thu dịch vụ tài chính số tăng vọt 152%, nổi bật với các tính năng như quét QR quốc tế tại hơn 120.000 điểm bán ở Singapore và thanh toán qua VNPAY-QR. Tổng khối lượng thanh toán của MU Lục Địa VNG tăng trưởng tới 60%.
Tính đến cuối tháng 3, Zalo ghi nhận gần 78 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Hệ sinh thái Zalo Mini App hiện có 5.532 ứng dụng, tăng 302% so với cùng kỳ. Zalo tiếp tục là đối tác chiến lược của các cơ quan nhà nước trong quá trình chuyển đổi số, với nhiều ứng dụng tiện ích phục vụ xác thực định danh điện tử, thanh toán dịch vụ công qua VNeID.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNZ đang giao dịch quanh mức 339.000 đồng/cổ phiếu, tăng 1,5% trong phiên hôm nay 6/5.

Chứng khoán đón “cầu vồng” sau kỳ nghỉ lễ?
Với nhiều thông tin tích cực sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5/2025, thị trường chứng khoán Việt được kỳ vọng sẽ đón nhận những "làn sóng" mới từ việc vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới KRX, mùa báo cáo tài chính quý I/2025 và triển vọng tốt của các ngành ngân hàng, thép…

Chứng khoán sau nghỉ Lễ: Sóng ngầm còn vỗ, chọn danh mục để đi đường dài
Kinhtedothi- Cơ hội phục hồi đang mở ra sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường vẫn trong vùng dao động mạnh. Ông Đào Hồng Dương- Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) khuyến nghị, nhà đầu tư cần cơ cấu theo hướng chọn lọc nhóm ngành sáng giá, kết hợp quản trị vốn chặt chẽ để vượt qua giai đoạn "sóng ngầm" này.

Ngày mai, KRX chính thức vận hành: Bước chuyển mình của chứng khoán Việt
Kinhtedothi- Ngày mai (5/5/2025), hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước đổi mới mạnh mẽ về hạ tầng, thay đổi cách giao dịch và mở ra kỳ vọng nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.