Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều gì đang thôi thúc các “ông lớn” đầu tư vào bất động sản dưỡng lão?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người già đang ngày càng gia tăng cả về chất và lượng, trong bối cảnh tốc độ già hóa tăng nhanh. Không bỏ lỡ cơ hội, các “ông lớn" BĐS đã nhanh chóng nắm bắt thị trường, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già.

Nỗi lo về già hóa dân số

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.

Dự báo đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Sự thay đổi nhân khẩu học này không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

Việt Nam là một trong số 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Việt Nam là một trong số 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, mức sinh đã giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua, từ 3.8 con vào năm 1989 xuống dưới 2 con vào năm 2023. Trung bình trong giai đoạn 2009 - 2019, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm. Việt Nam là một trong số 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, với mức sinh thấp, tỷ lệ tử vong thấp và tuổi thọ trung bình cao.

Như vậy, già hóa dân số Việt Nam dự kiến tiếp tục bị đẩy nhanh khi mức sinh khó được cải thiện. Trong khi các nước phát triển có hàng trăm năm hoặc hơn nửa thế kỷ để từng bước thay đổi chính sách, ứng phó với sự già hóa dần, thì Việt Nam chỉ còn nhiều nhất 12 năm nữa để tận dụng thời kỳ dân số vàng và chuẩn bị đối diện với già hóa dân số.

Cùng với sự phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng hiện đại, định kiến về nhà dưỡng lão cũng đã dần thay đổi, theo hướng tích cực hơn. Nhu cầu về nhà ở dưỡng lão đang tăng lên không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Kết quả khảo sát từ báo cáo về người cao tuổi của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổng cục Thống kê Việt Nam chỉ ra, khoảng 36% người cao tuổi cho biết họ và gia đình sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

“Tại Việt Nam số lượng cơ sở chăm sóc hay cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi nói chung, số lượng cơ sở tư nhân nói riêng còn hạn chế so với tiềm năng. Theo khảo sát và thống kê của của Công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI), Việt Nam chỉ có 32/63 tỉnh có viện dưỡng lão trong khi tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn ngày càng tăng. Hiện tại cả nước chỉ có khoảng trên 400 viện dưỡng lão ở Việt Nam, với khoảng 50% là các trung tâm từ thiện hoặc trung tâm do nhà nước đầu tư” – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Trần Văn Bình cho hay.

Cơ hội nắm bắt thị trường

Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đang có Tập Vingroup và Sungroup đã chính thức tham gia phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong ngày và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn (nhà dưỡng lão), các DN này hiện đang lên kế hoạch mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình.

Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng cho một bộ phận người cao tuổi rất nhỏ ở khu vực đô thị. Bởi chi phí nhà ở tại nơi cung cấp cấp dịch vụ cũng như chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở tư nhân này còn cao so với mức thu nhập bình quân của Việt Nam, đặc biệt là thu nhập của người cao tuổi.

Đầu tư vào BĐS dưỡng lão đang mở ra nhiều cơ hội cho các DN BĐS.
Đầu tư vào BĐS dưỡng lão đang mở ra nhiều cơ hội cho các DN BĐS.

Do đó, ngoài các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện để khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế và xã hội để hỗ trợ chi phí chăm sóc tại nhà dưỡng lão, giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ. Hay các chính sách để hỗ trợ chi phí ở nhà dưỡng lão cho người cao tuổi.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính, để đảm bảo đủ số lượng cơ sở và chất lượng chăm sóc cho người cao tuổi, Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích các DN tham gia vào công tác chăm sóc người cao tuổi, cụ thể là đầu tư phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi.

Trong đó, quan trọng nhất là nghiên cứu chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN phát triển nhà ở dưỡng lão trong một số năm đầu hoạt động để giảm chi phí và rủi ro tài chính khi đầu tư vào lĩnh vực này; Nhà dưỡng lão loại hình “Nhà ở đặc biệt” nên cần một sự quan tâm đặc biệt. Giống như nhà ở xã hội, Nhà nước cần nghiên cứu cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc không lãi suất cho DN tư nhân muốn đầu tư xây dựng và vận hành nhà dưỡng lão. Tạo quỹ hỗ trợ từ Chính phủ để cung cấp các khoản tài trợ hoặc bảo lãnh tín dụng...;

“Chính phủ cũng cần xây dựng chính sách để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam thông qua các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính; Khuyến khích DN thông qua biện pháp miễn, giảm các khoản phí liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án xây dựng nhà dưỡng lão; đồng thời, cho phép DN tư nhân khai thác, vận hành các cơ sở chăm sóc người cao tuổi công lập sẵn có. Xây dựng quy định pháp lý rõ ràng, minh bạch về tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động của nhà dưỡng lão...” – TS Nguyễn Văn Đính kiến nghị.