Điều gì thôi thúc Malaysia quyết tâm gia nhập BRICS?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia chính trị cho rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi Malaysia tìm kiếm thêm các cơ chế hợp tác quốc tế để gia tăng các lợi ích quốc gia.

Malaysia hồi tháng 6 thông báo đang tìm kiếm tư cách thành viên của BRICS. Ảnh: RT
Malaysia hồi tháng 6 thông báo đang tìm kiếm tư cách thành viên của BRICS. Ảnh: RT

Giới nghiên cứu chính sách đối ngoại gần đây rất bất ngờ khi Malaysia – nước thành viên ASEAN, tuyên bố đang tìm kiếm tư cách thành viên của Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).

BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Từ đầu năm nay, nhóm bắt đầu mở rộng thành viên với Ả Rập Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tham gia.

BRICS tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây, khi bối cảnh toàn cầu đang dần rời xa khỏi trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Một số nhà bình luận cho rằng, việc gia nhập BRICS sẽ mở đường cho Malaysia có thêm những cơ hội kinh tế lớn hơn hiện tại, vì nhóm đang có 1,6 triệu cá nhân có tài sản có thể đầu tư trên 1 triệu USD.

Liệu việc gia nhập BRICS có đánh dấu một sự thay đổi đáng kể đối với Malaysia và sẽ mang lại lợi ích gì cho Malaysia?

Lợi ích kinh tế và không gian phát triển mới

Giới quan sát cho rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi Malaysia tìm kiếm thêm các cơ chế hợp tác quốc tế để gia tăng các lợi ích quốc gia của mình.

Theo giáo sư nghiên cứu châu Á James Chin, Malaysia xem BRICS như một nền tảng bổ sung để Kuala Lumpur có tiếng nói quốc tế có trọng lượng hơn với tư cách là một cường quốc tầm trung và được hưởng nhiều lợi ích về mặt kinh tế hơn.

Trong nhiều thập kỷ, các kế hoạch chính sách đối ngoại của Malaysia là Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, hiện tại Malaysia đang đặt kỳ vọng nhiều hơn vào những không gian hợp tác mới.

Bên cạnh đó, việc xin gia nhập BRICS không phải là một nhiệm vụ khó khăn. BRICS là nền tảng để thảo luận về sự đồng thuận chính trị trong các vấn đề quốc tế và thúc đẩy hợp tác thương mại. Các thành viên không phải thay đổi bất kỳ luật lệ trong nước nào để phù hợp với nhóm, khác với việc xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tóm lại, các nước tham gia BRICS sẽ không phải thay đổi hoặc cải cách gì nhiều trong nước.

Một phần đáng kể của BRICS là ưu tiên thương mại Nam-Nam là trung tâm (giữa các quốc gia ở Nam bán cầu) với Trung Quốc. Malaysia đã là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu - hiệp định cũng đòi hỏi phải có những cải cách trong nước. Do đó, việc gia nhập BRICS có thể được coi là một bước tiến tự nhiên.

Không muốn tuột  mất “cơ hội vàng”

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với BRICS được thể hiện qua số lượng quốc gia bày tỏ mong muốn trở thành thành viên. Bộ trưởng Quan hệ và hợp tác quốc tế Nam Phi Naledi Pandor hồi tháng 1 năm nay thông báo, 34 nước đã gửi tín hiệu quan tâm đến việc gia nhập khối.

Gần như chắc chắn, Thái Lan đã nộp đơn và Philippines cũng đang bày tỏ sự quan tâm, dù chưa công khai quan điểm. Các quốc gia Đông Nam Á này, bao gồm cả Malaysia, đều mong muốn tìm kiếm một nền tảng hợp tác lớn hơn.

Rõ ràng, các cường quốc đang lên như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Trung Quốc đang đi đầu trong BRICS và họ đang cố gắng thiết lập một nền tảng phát triển mới cho thế giới. Và gia nhập BRICS sớm chắc chắn sẽ có lợi hơn so với việc tham gia muộn. Malaysia có thể đã được coi là "người đến sau" khi các nền kinh tế khác như Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE đều đã gia nhập BRICS vào đầu năm nay.

Đặc biệt hơn, các thành viên BRICS hiện chiếm khoảng 45% dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu và hơn 40% sản lượng dầu của thế giới. Thậm chí có khả năng trong tương lai, BRICS có thể trở thành một phiên bản khác của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Trong khi đó, Malaysia ủng hộ một số lợi ích cốt lõi của BRICS. Chẳng hạn, BRICS luôn cho rằng, thế giới sẽ ổn định hơn nếu các quốc gia có thể từ bỏ đồng USD và giao dịch bằng các loại tiền tệ khác. Ngoài ra, Malaysia cũng hy vọng rằng nước này sẽ được hưởng lợi từ Ngân hàng phát triển BRICS.