Trong đó, hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) đang được quan tâm hơn bao giờ hết.
Chương trình đào tạo được nâng cao, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác đào tạo, sát hạch lái xe cũng được đầu tư mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, chủ trương số hóa trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX đã và đang tạo ra những thay đổi rõ rệt cả về chất và lượng trong lĩnh vực này.
Tất cả cùng hướng đến mục tiêu học thật, thi thật, tìm ra những người thật sự xứng đáng và tin cậy để trao tay tấm bằng lái xe. Đây rõ ràng là những bước đi cần thiết để tăng thêm sức mạnh của quản lý Nhà nước đối với công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, một lĩnh vực chưa bao giờ hết nóng và… bớt quan trọng đối với ngành giao thông vận tải nói riêng và đối với đời sống xã hội nói chung.
Tuy nhiên, nếu chỉ kiểm soát chặt việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX là chưa đủ để đảm bảo một môi trường giao thông chuẩn mực và an toàn. Nhiều ý kiến cho rằng đến nay vẫn chưa có cơ chế kiểm soát, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý tài xế sau khi được cấp GPLX. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như lái xe không còn đủ sức khỏe, lái xe vi phạm ở DN này lại chuyển sang DN khác…
Một thông tin sẽ khiến không ít người phải giật mình là sau hàng loạt các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra thời gian gần đây, điều tra của lực lượng chức năng chỉ ra nhiều lỗ hổng pháp lý sau đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đối với đội ngũ lái xe vận tải hàng hóa, hành khách đường dài, nhất là tình trạng quản lý lái xe đang bị bỏ ngỏ.
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 3.991 vụ TNGT, làm 2.343 người chết, 2.773 người bị thương. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2022, số vụ TNGT giảm 15,7%, nhưng vẫn đáng báo động về tình trạng nhờn luật của lái xe sau các vụ TNGT, nhất là tình trạng chạy quá tốc độ, lấn làn đường, chở quá tải và vi phạm nồng độ cồn...
Nghiêm trọng hơn, không ít các vụ TNGT sau khi xảy ra, lượng cảnh sát giao thông xác định lái xe đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ, sử dụng chất gây nghiện trong quá trình lái xe gây tai nạn, nhưng sau đó bỏ chạy hoặc rời hiện trường, bỏ lại phương tiện, gây khó khăn cho quá trình điều tra...
Sự thật là trong những năm qua, tình hình TNGT đã và đang được cải thiện một cách đáng kể khi vẫn giảm dần đều qua từng năm. Thế nhưng, nếu có sự kiểm soát chặt chẽ đối với lái xe, chắc chắn các vụ TNGT còn giảm mạnh hơn nữa.
Đáng nói, việc quản lý lái xe sau khi được cấp GPLX đã được nhiều cơ quan liên quan thảo luận từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Nhất là các vấn đề liên quan đến sức khỏe lái xe khi sát hạch thiếu nguồn gốc, bị thả nổi; thông tin lái xe lưu tại doanh nghiệp vận tải không được kết nối liên thông, tái vi phạm sau khi lái xe bị xử phạt...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các cơ quan quản lý Nhà nước về sát hạch, đào tạo, cấp phép lái xe vẫn chưa có cơ chế kiểm soát, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý lái xe sau khi được cấp GPLX. Bộ phận theo dõi ATGT của doanh nghiệp vận tải hiện nay hầu như chưa có, chưa làm hết vai trò, trách nhiệm.
Đương nhiên, không ai phủ nhận việc siết công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX là cần thiết và quan trọng. Điều này chúng ta đang làm được. Nhưng kể cả làm tốt được công việc này, chúng ta cũng mới chỉ đảm bảo sẽ cho ra đời những tấm bằng lái thực chất. Đây chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phải là người sử dụng tấm bằng lái đó như thế nào. Điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào các cơ chế quản lý, giám sát tài xế hậu cấp bằng. Hiện nay, đây là thứ chúng ta chưa làm được.