Điều kiện chuyên viên chính cản trở cán bộ trẻ được bổ nhiệm

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Ngành Nội vụ nên tham mưu bỏ quy định chuyên viên chính mới hy vọng tạo nguồn cán bộ trẻ để sáng tạo và cống hiến.

Quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng để có cán bộ lãnh đạo trẻ… luôn là chủ trương nhất quán từ trước tới nay. Nhưng sẽ rất ít cán bộ trẻ (từ 35 đến 40 tuổi) được bổ nhiệm giữ vị trí cấp Sở, cục, vụ bởi một trong những điều kiện phải là “chuyên viên chính”.
Tại không ít cấp sở, ngành quan trọng của địa phương đang thiếu cán bộ trẻ có năng lực làm việc cần được bổ nhiệm. Các ứng viên đều hội đủ các loại bằng cấp (Đại học và trên Đại học; Đảng viên; Cao cấp lý luận; Ngoại ngữ, tin học và các loại chứng chỉ khác); Nằm trong quy hoạch, độ tuổi; Từng qua các vị trí lãnh đạo cấp phòng…, đặc biệt là hội đủ năng lực và uy tín làm việc.
Với điều kiện như vậy, có địa phương Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí chủ trương bổ nhiệm một vị trí lãnh đạo sở, vừa đủ số lượng theo quy định, vừa để làm việc căn cứ nhu cầu thực tiễn.
Qua thăm dò tại đơn vị, ứng viên đều đạt sự đồng thuận cao. Các điều kiện đã hội đủ, nhưng không được bổ nhiệm vì chưa phải là “chuyên viên chính”.
Điều kiện để trở thành chuyên viên chính (hoặc tương đương) tại các địa phương và trung ương hiện nay bộc lộ nhiều vướng mắc. Thứ nhất, các đợt thi chuyên viên chính không tổ chức hàng năm. Có khi 2, 3 hoặc 5 năm thậm chí lâu hơn nữa mới có đợt. Thứ hai, khi có đợt thi lại phải theo “chỉ tiêu” từ ngành Nội vụ nên rất hạn chế. Thứ ba, để đủ điều kiện thi chuyên viên chính phải đủ 9 năm giữ vị trí chuyên viên; phải qua một lớp học nghiệp vụ do ngành tổ chức (mà không phải năm nào cũng có), cộng với bằng cấp như trung cấp lý luận, ngoại ngữ, tin học; phải nằm trong chỉ tiêu “phân bổ” đi học của cơ quan.
Một “cửa ải” khắt khe nữa, khi đủ điều kiện dự thi chuyên viên chính lại phải chờ đợi “có đợt” tổ chức thi tại địa phương. Khi được dự thi, không phải ai cũng có cơ hội “trúng” (vì phải thi cạnh tranh; thi không đúng chuyên ngành được đào tạo; thậm chí có nơi đã từng phát hiện những lùm xùm, trong đó có chuyện chung chi trong các đợt thi). Thứ năm, không phải chuyên viên chính nào cũng nằm trong quy hoạch, cũng là người có đủ năng lực, uy tín để bổ nhiệm vị trí lãnh đạo.
Vướng mắc thứ sáu, nếu hội đủ các điều kiện và năng lực nêu trên, nhưng cơ hội bổ nhiệm không có. Chẳng hạn các vị trí lãnh đạo đã đủ số lượng, hoặc người đang giữ vị trí đó chưa nghỉ hưu, chưa luân chuyển đi đơn vị khác…
Theo tính toán thông thường, một người trúng tuyển công chức, viên chức, nếu suôn sẻ phải mất 9 năm mới có đủ điều kiện thi chuyên viên chính; hai năm học cao cấp lý luận… và rất nhiều các văn bằng chứng chỉ khác… mới là điều kiện “đủ” để bổ nhiệm Phó Giám đốc sở, ngành. Nếu thêm tiêu chuẩn phải là chuyên viên chính… thì sẽ rất ít người được bổ nhiệm cán bộ cấp sở trong độ tuổi từ 35 đến 40. Đặc biệt sẽ rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là không có lãnh đạo cấp sở dưới tuổi 35.
Thời gian gần đây, việc nhiều người cố gắng dự thi để trở thành chuyên viên chính hay chuyên viên cao cấp là vì… được “nhảy” bậc lương. Tuy nhiên, theo lộ trình từ năm 2021 việc xếp bậc lương sẽ theo vị trí việc làm nên vấn đề thi chuyên viên chính hay cao cấp thật sự không còn nhiều ý nghĩa, nếu không muốn nói là thừa.
Công tác cán bộ cần đổi mới đi vào thực chất hơn nữa. Đó là coi trọng phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn, lấy kết quả thực tiễn làm thước đo chủ yếu để đề bạt, bổ nhiệm. Còn nếu dựa quá nhiều vào bằng cấp và tiêu chí, nhiều người có năng lực thực sự sẽ mất cơ hội.
Từ thực tiễn như vậy, ngành Nội vụ nên tham mưu, bỏ điều kiện là chuyên viên chính mới bổ nhiệm lãnh đạo cấp sở. Bỏ điều kiện này mới hy vọng tạo nguồn cán bộ trẻ để sáng tạo và cống hiến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần