Điều trị thoái hóa khớp gối bằng xoa bóp - bấm huyệt

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thoái hóa khớp gối là bệnh lý chủ yếu của sụn khớp gối, nhưng ảnh hưởng đến toàn bộ thành phần cấu tạo khớp như xương dưới sụn, bao hoạt dịch, bao khớp…

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Bệnh thường xảy ra ở khớp gối do chịu trọng lực của cơ thể dồn xuống. Thoái hóa khớp gối nếu được chẩn đoán sớm và điều trị sớm có thể làm chậm phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau đớn, giúp cải thiện và duy trì hoạt động khớp gối, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các triệu chứng và nguyên nhân

Về biểu hiện bệnh lý của thoái hóa khớp gối có biểu hiện nói chung là đau cố định tại khớp, tăng khi vận động, khi thay đổi thời tiết, tê, mỏi, nặng vùng đầu gối.

Đau ở vị trí khớp gối: Đau tại chỗ , âm ỉ, đau thường xuất hiện và tăng khi vận động hay thay đổi tư thế. Thường xuất hiện từng đợt kéo dài rồi giảm và hết, sau đó lại xuất hiện đợt khác sau khi vận động nhiều. Đau nhiều có thể gây co cơ phản ứng.

Hạn chế vận động: Các động tác của khớp gối có hạn chế một số động tác. Do hạn chế vận động nên cơ vùng thương tổn có thể bị teo. Một số bệnh nhân có dấu hiệu “phá gỉ khớp” vào buổi sáng hoặc lúc mới bắt đầu hoạt động.

Bệnh nhân khi có triệu chứng sẽ được chụp X-quang để xác định thêm.

Nguyên nhân

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý do hậu quả của quá trình tích tuổi và sự chịu lực tác động thường xuyên lên khớp.

Sự lão hóa: Theo quy luật của tự nhiên, ở người trưởng thành khả năng sinh sản và tái tạo sụn giảm dần và hết hẳn. Các tế bào sụn với thời gian tích tuổi lâu dần sẽ già, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharid sẽ giảm sút và rối loạn, chất lượng sụn sẽ kém dần, tính chất đàn hồi và chịu lực giảm

Yếu tố cơ giới: Yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa nhanh. Yếu tố cơ giới thể hiện ở sự tăng bất thường lực nén trên một đơn vị diện tích của mặt khớp hoặc đĩa đệm là yếu tố chủ yếu trong thoái hóa khớp thứ phát, nó gồm: Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tích tỳ nén bình thường của khớp và cột sống; các biến dạng thứ phát sau chấn thương, viêm, u, loạn sản làm thay đổi hình thái, tương quan của khớp và cột sống; sự tăng trọng tải: tăng cân quá mức do béo phì, do nghề nghiệp.

Các yếu tố khác: Yếu tố miễn dịch, di truyền, nội tiết, chuyển hóa…

Điều trị bằng xoa bóp - bấm huyệt

Bên cạnh cách dùng các thuốc giảm đau và chống viêm không steroid, các phương pháp vật lý, điều trị ngoại khoa… của y học hiện đại, y học cổ truyền có nhiều phương pháp góp phần điều trị và cải thiện thoái hóa khớp gối như dùng thảo dược và các phương pháp không dùng thuốc như xoa bóp - bấm huyệt.

Xoa bóp - bấm huyệt sử dụng bàn tay, ngón tay là chính tạo áp lực vào gân cơ, khớp, kinh mạch, các huyệt xung quanh khớp gối, làm thông các điểm ứ tắc, qua đó lập lại cân bằng của kinh mạch trong cơ thể, giảm căng, mềm cơ, cải thiện lưu thông tuần hoàn, đưa máu và các chất dinh dưỡng tới nuôi dưỡng khớp gối, kích thích cơ thể sản xuất chất giảm đau tự nhiên endorphins. Các huyệt thường sử dụng: Huyết hải, Độc tỵ, Tất nhãn, Lương khâu, Huyết hải, Ủy trung…

Tư thế bệnh nhân nằm ngửa co chân bị bệnh, thấy thuốc đứng cạnh bên, ngồi nhẹ lên bàn chân bị đau của người bệnh: Dùng dầu bôi trơn để bắt đầu tiến trình xoa bóp.

Vuốt cẳng chân: Dùng 2 tay ép sát vào khối cơ của cẳng chân khi thực hiện 2 bàn tay làm luân phiên nhau.

Bóp nắn cơ vùng cẳng chân: Để chân chống cẳng chân làm với đùi 1 góc 120 độ thầy thuốc dùng tay bóp nắn cơ vùng sau cẳng chân.

Nhào cơ: Dùng 2 tay vặn chéo cơ các nhóm cơ mặt sau, trước cẳng chân.

Tách cơ: Dùng các ngón tay ấn vào khe của cơ tam đầu cẳng chân 2 ngón tay ở mặt trước cẳng chân.

Lắc cơ: Bàn tay áp sát vào khối cơ lắc qua lắc lại.

Vuốt cơ: Dùng bàn tay áp sát cơ vùng cẳng chân vuốt các cơ vùng khoeo và gối.

Đấm vùng khoeo: Hai bàn tay nắm hờ, khi thực hiện kỹ thuật 2 bàn tay làm xoay tròn liên tục ở vùng khoeo chân bị bệnh 10 - 20 lần.

Lúc này chân người bệnh duỗi thẳng, thầy thuốc đứng cạnh bên và tiếp tục xoa bóp.

Day ấn huyệt vùng cẳng chân: Túc tam lý, Phong long, Âm lăng tuyền, Tam âm giao, Phi dương, Dương lăng tuyền, Quang minh, Tất nhãn...

Miết quanh khớp gối: Dùng 2 bàn tay áp sát vào trên dưới xương bánh chè khi chân duỗi ra quanh xương bánh chè và khớp gối.

Lay xương bánh chè: Dùng tay lay xương bánh chè khi chân ở vị trí tư thế duỗi theo hướng lên xuống, qua lại.

Vận động khớp gối tư thế người bệnh nằm ngửa: Thầy thuốc đứng bên cạnh; để bắp chân người bệnh trên cẳng tay, tay kia thầy thuốc để vào đầu gối người bệnh; làm động tác co duỗi vài lần; rồi đột nhiên khi duỗi chân, ấn mạnh đầu gối để duỗi mạnh ra (có thể phát ra tiếng kêu); làm 1 - 2 lần.

Vận động khớp gối tư thế người bệnh nằm sấp: Thầy thuốc đứng bên cạnh, gấp chân người bệnh để đưa gót chân ép vào mông 2- 3 lần.

Xoa lại toàn vùng khớp gối, kết thúc có thể sử dụng dầu nóng để tăng thêm tác dụng giảm đau, mềm cơ… thời gian một lần xoa bóp là 30 phút, ngày có thể xoa 1 - 2 lần, xoa bóp và vận động khớp gối liên tục từ 7 - 10 ngày là cải thiện đau và giới hạn khớp gối hiệu quả. Ngoài ra cần chú ý giảm cân, tránh những động tác đột ngột lên khớp gối, cũng như cẩn thận tránh tỳ, đè lên khớp gối...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần