Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều trị ung thư dạ dày bằng phương pháp đa mô thức

BS Nguyễn Hữu Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây tại một cuộc hội thảo ở TP Hồ Chí Minh có chủ đề về “điều trị ung thư dạ dày”, nhiều báo cáo khoa học trong nước đã được trình bày, trong đó nổi bật là các báo cáo cập nhật những tiến bộ hiện nay trong chẩn đoán trước, trong và sau mổ; tình hình điều trị đa mô thức trên thế giới và tại Việt Nam, ở các bệnh viện: Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Chợ Rẫy, Trung ương Huế…

Tại hội thảo, TS. BS Võ Duy Long - Chủ tịch Hội Phẫu thuật tiêu hóa trên Đông Nam Á, Phó Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, phần lớn người bệnh ung thư dạ dày ở nước ta đến bệnh viện ở giai đoạn tiến triển. Việc điều trị ung thư dạ dày ở giai đoạn này thường khó khăn và cần phối hợp nhiều chuyên khoa trong điều trị đa mô thức để mang lại hiệu quả tối đa, giúp kéo dài sự sống cho người bệnh.
Tại một số bệnh viện, phương pháp điều trị đa mô thức được áp dụng hiệu quả, đặc biệt ở người bệnh giai đoạn muộn. Với thế mạnh phối hợp đa chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh, các bệnh viện đã sớm thành lập nhóm điều trị đa mô thức bao gồm khoa Ngoại Tiêu hóa, Chẩn đoán hình ảnh, Hóa trị ung thư, Nội soi, Giải phẫu bệnh… chuyên chẩn đoán và điều trị tất cả các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa, trong đó có ung thư dạ dày. Với phương pháp điều trị đa mô thức, người bệnh giai đoạn tiến triển được kéo dài thời gian sống, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
 Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Công Hùng
Chị Phan Thu H. (45 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng) cách đây 2 năm được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Sau khi thực hiện các phương pháp chẩn đoán, các bác sĩ cho biết người bệnh có khối u ở vùng hang vị, đã xâm lấn vào tụy và di căn ổ bụng. Với những trường hợp này, người bệnh có thể chỉ sống thêm được 1 - 2 tháng. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn liên chuyên khoa, lên kế hoạch điều trị đa mô thức cho người bệnh.

Sau hội chẩn, người bệnh được tiến hành hóa trị trước mổ 6 đợt trong vòng 6 tháng theo phác đồ DCS. Sau hóa trị, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy khối u đã thu nhỏ lại, không còn di căn ổ bụng. Người bệnh được phẫu thuật nội soi cắt dạ dày và nạo hạch triệt để với sự hỗ trợ của công nghệ ICG. Kết quả phẫu thuật tốt. Đến nay sau 2 năm, sức khỏe của người bệnh ổn định, tiếp tục tái khám đều đặn và chưa có dấu hiệu tái phát ung thư.

TS. BS Võ Duy Long cho biết, việc điều trị đa mô thức mang lại hy vọng mới cho người bệnh ung thư giai đoạn tiến triển đã di căn, giúp kéo dài sự sống người bệnh. Đã có những trường hợp người bệnh kiên trì tuân thủ điều trị, thời gian sống kéo dài hơn 5 năm. Việc các bệnh viện phát huy thế mạnh điều trị đa mô thức, phẫu thuật nội soi cắt dạ dày, nạo hạch triệt để với sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán tiên tiến giai đoạn trước, trong và sau mổ đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, đặc biệt ở người bệnh giai đoạn tiến triển.

Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính thường gặp tại Việt Nam, đứng thứ 3 sau ung thư gan và ung thư phổi. Bệnh thường khởi phát từ niêm mạc dạ dày nên có thể phát hiện qua nội soi dạ dày. Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng biểu hiện bao gồm: đau bụng, chán ăn, chậm tiêu, buồn nôn, sụt cân… Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên chủ động tầm soát sức khỏe, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập phù hợp để phòng ngừa các bệnh liên quan đến tiêu hóa, trong đó có ung thư dạ dày. Ngay khi có các triệu chứng của bệnh, nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, tránh để bệnh tiến triển gây khó khăn cho việc điều trị.