Dinh dưỡng cho trẻ em mắc bệnh viêm phổi

Hoa Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viêm phổi là bệnh lý viêm đường hô hấp dưới gây ra bởi nhiều nguyên nhân: Virus, vi khuẩn, nấm,... Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ viêm phổi, đồng thời là biến chứng của viêm phổi.

Trẻ mắc viêm phổi dễ bị suy dinh dưỡng do: giảm lượng ăn vào vì chán ăn, ngạt mũi, khó thở, nôn, sốt, quấy khóc và tăng năng lượng tiêu hao do sốt, thở nhanh, đáp ứng viêm. Do vậy, đảm bảo đủ dinh dưỡng là một vấn đề quan trong, không chỉ giúp trẻ nhanh chóng phục hồi mà còn bắt kịp tăng trưởng, dự phòng tái nhiễm.

Nguyên tắc chung

Đảm bảo đủ năng lượng.

Đảm bảo đủ dịch cho trẻ.

Cho trẻ ăn lỏng, mềm hơn bình thường để giảm kích thích ho và nôn.

Dinh dưỡng cho trẻ em mắc bệnh viêm phổi - Ảnh 1

Chia nhỏ bữa và cho trẻ ăn thường xuyên hơn.

Những điều nên làm

Trẻ bú mẹ nên tiếp tục bú mẹ. Nếu trẻ khó bú do ngạt mũi, chảy mũi, ho, thở nhanh,… có thể vắt sữa đổ thìa.

Loại thực phẩm và độ thô phù hợp lứa tuổi và lỏng mềm hơn bình thường.

Đối với protein, lựa chọn các thực phẩm có giá trị sinh học cao: thịt, cá, trứng, sữa,…

Nên lựa chọn các thực phẩm giàu vitamin A (các loại rau lá xanh đậm, cà chua, cà rốt, bí đỏ,…); vitamin D (cá, tôm, trứng, nấm,…); kẽm (thịt, trứng,…); omega 3 (cá biển, sữa, hạt,…).

Cho trẻ ăn theo sở thích và khẩu vị.

Với trẻ bị suy dinh dưỡng/nguy cơ thiếu dinh dưỡng, nên được tư vấn bởi bác sĩ dinh dưỡng để nhận được hướng dẫn dinh dưỡng bổ sung/ chế độ ăn phù hợp với viêm phổi và thiếu dinh dưỡng.

Những điều cần tránh

Trẻ viêm phổi dễ bị nôn do đau họng, đờm ho,…Do đó, không nên sử dụng thực phẩm khó tiêu: thực phẩm dầu mỡ, chiên rán nhiều; thực phẩm khô cứng làm kích thích hầu họng,…

Hạn chế những thực phẩm có thể gây kích thích cho trẻ: hạt tiêu, cà phê, đồ uống có gas,…