Định hình mối quan hệ Mỹ-Trung

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ ngày 18 đến 21/1, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thực hiện chuyến thăm chính thức Mỹ trong bối cảnh quan hệ song phương đang có nhiều vấn đề nhạy cảm từ kinh tế đến ngoại giao và an ninh... đặc biệt khi hai bên ngày càng có nhiều mâu thuẫn và lợi ích đan xen nhau.

KTĐT - Từ ngày 18 đến 21/1, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thực hiện chuyến thăm chính thức Mỹ trong bối cảnh quan hệ song phương đang có nhiều vấn đềnhạy cảm từ kinh tế đến ngoại giao và an ninh... đặc biệt khi hai bên ngày càng có nhiều mâu thuẫn và lợi ích đan xen nhau.

 

Các chuyên gia nhận định đây là chuyến công du nước ngoài quan trọng nhất trong vòng 30 năm qua nhằm định hình lại mối quan hệ Mỹ-Trung.

 

Trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ trước khi lên đường tới Washington, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đánh giá cao những bước tiến trong quan hệ song phương nhưng cũng thừa nhân nhận rằng hai bên vẫn tồn tại một số vấn đề nhạy cảm, bất đồng. Trên cơ sở quan điểm: "Hai nước Trung, Mỹ hòa dịu thì có lợi, đấu nhau đều thiệt hại", ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh hai bên phải tăng cường đối thoại và gia tăng độ tin cậy chiến lược. Đặc biệt, "chúng ta sẽ từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh đối đầu", "tôn trọng sự lựa chọn của nhau trên con đường phát triển" và "nhìn nhau mà tiến". Theo đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề nghị hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, phát triển cơ sở hạ tầng, hàng không và không gian. Chủ tịch Trung Quốc cũng cam kết Bắc Kinh sẽ tiếp tục cải cách hành chính và luật pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trước đó, hôm 14/1, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng khẳng định mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở "thời điểm then chốt". Trên cơ sở "một nước Mỹ thịnh vượng tốt với Trung Quốc và một Trung Quốc lớn mạnh cũng có lợi cho Mỹ", bà Hillary nhấn mạnh hai nước cần xây dựng mối quan hệ "tích cực, hợp tác và toàn diện" trong việc giải quyết các thách thức về kinh tế và an ninh toàn cầu.

 

Trong khuôn khổ chuyến thăm hai bên sẽ ký kết một số thỏa thuận hợp tác kinh doanh trị giá khoảng 10 tỷ USD. Hôm 17/1, nhân chuyến thăm bang Texas của đoàn doanh nghiệp Trung Quốc, hai bên đã ký 6 thỏa thuận với tổng trị giá 574 triệu USD. Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Vương Siêu khẳng định các thỏa thuận trên chỉ là bước khởi đầu của quá trình tăng cường quan hệ thương mại hai bên.

 

Trên thực tế, quan hệ thương mại hai nước đã có những bước tiến quan trọng. Hiện, Trung Quốc là đối tác buôn bán lớn thứ 2 của Mỹ và là thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất của Mỹ với tốc độ tăng trưởng 30% trong năm 2010. Mỹ cũng đã đầu tư vào Trung Quốc hơn 59.000 dự án với kim ngạch đầu tư thực tế đạt 65,2 tỉ USD. Tuy nhiên nhiều mâu thuẫn liên quan đến vấn đề kinh tế giữa Mỹ-Trung rất khó được giải quyết trong khuôn khổ của một chuyến thăm. Ví như vi phạm sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc khiến các công ty công nghệ cao của Mỹ tổn thất hàng tỷ USD tiền bản quyền mỗi năm. Thực tế, Trung Quốc là thị trường phần cứng máy tính lớn thứ 2 thế giới nhưng chỉ đứng thứ 8 trong thị trường phần mềm. Đặc biệt, các công ty Mỹ cũng phải đối mặt với một số hàng rào bảo hộ nhằm bảo vệ các sản phẩm trong nước của Trung Quốc.

 

Vấn đề gai góc nhất, "nóng" nhất giữa Mỹ-Trung vẫn là chính sách tiền tệ của Bắc Kinh. Việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố Mỹ nên "giữ đồng USD ổn định hợp lý trong khi đồng NDT của Trung Quốc cần một thời gian tương đối dài mới có thể quốc tế hóa" được các chuyên gia nhận định là một bước tiến. Tuyên bố này cho thấy rõ Trung Quốc dự định sẽ chuyển dịch theo hướng mở rộng thị trường, giải phóng tỷ giá, tất nhiên quá trình này sẽ theo một tiến độ riêng mà chỉ có Bắc Kinh mới rõ. Trong khi đó, các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cho rằng chính sách đồng nội tệ yếu của Bắc Kinh là một nhân tố gây cản trở cho tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ và đang gây sức ép để Quốc hội thông qua dự luật "trừng phạt đồng NDT". Tuy nhiên, đa số các chuyên gia nhận định rằng lãnh đạo hai bên sẽ tiếp cận vấn đề tỷ giá trên một cách mềm mỏng và thận trọng trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần