Kế hoạch áp thuế khủng của Mỹ với dầu Nga chỉ là “đòn gió”?
Kinhtedothi - Các chuyên gia cảnh báo, dự luật Mỹ dọa áp thuế 500% với khách hàng nhập khẩu dầu Nga, thay vì gây tổn hại cho Moscow, nhiều khả năng có thể phá vỡ quan hệ của Washington với các đối tác thương mại quan trọng như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tờ Izvestia, dự luật áp thuế 500% với các quốc gia nhập khẩu dầu của Nga đang được một số thượng nghị sĩ Mỹ thúc đẩy, trao quyền cho Tổng thống Donald Trump áp thuế khổng lồ nhằm vào các nước tiếp tục mua năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mục tiêu thực chất của dự luật là công cụ gây sức ép chính trị hơn là giải pháp thực thi nghiêm túc.

Giới chuyên gia nhận định, dự luật trừng phạt các nước mua dầu Nga với mức thuế 500% có thể là một chiêu bài chính trị của ông Trump nhằm gây sức ép với Moscow. Ảnh: Tass
Theo nội dung dự luật, Tổng thống Mỹ sẽ có quyền đơn phương áp đặt các mức thuế khổng lồ đối với những quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, dự luật này không bắt buộc người đứng đầu Nhà Trắng phải thực thi ngay lập tức.
Chuyên gia Igor Yushkov từ Đại học Tài chính và Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga nhận định, dự luật chỉ trao quyền cho Tổng thống Mỹ Trump được áp đặt lệnh trừng phạt, chứ không bắt buộc ông phải thực hiện. “Nếu thực sự muốn áp đặt đòn trừng phạt, ông Trump hoàn toàn có thể sử dụng sắc lệnh hành pháp mà không cần thông qua một đạo luật riêng biệt. Đây rõ ràng là một công cụ mặc cả chính trị, không phải một chính sách có khả năng triển khai thực tế”, ông Yushkov nói.
Cũng có quan điểm tương tự, bà Yekaterina Kosareva, đối tác điều hành tại WMT Consult, dẫn chứng việc ông Trump từng từ chối ủng hộ sáng kiến G7 về hạ trần giá dầu Nga từ 60 xuống 45 USD/thùng, cho thấy Tổng thống Mỹ rất thận trọng với các biện pháp có thể đẩy giá dầu tăng.
“Việc đánh thuế lên các nước nhập khẩu dầu mỏ Nga sẽ khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt, điều mà ông Trump đang cố tránh” - bà Kosareva lưu ý.
Giới chuyên gia cho rằng dự luật trừng phạt các nước mua dầu Nga với mức thuế 500% có thể là một chiêu bài chính trị của ông Trump nhằm gây sức ép với Moscow.
Theo ông Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp Nga, ý tưởng về mức thuế 500% đang được các thượng nghị sĩ Mỹ “diễn vai cảnh sát xấu”.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump lại thể hiện quan điểm “thân thiện”, không trực tiếp ủng hộ nhưng cũng không bác bỏ, nhằm tạo áp lực gián tiếp buộc Nga nhượng bộ trong các cuộc đàm phán liên quan đến xung đột Ukraine.
Tuy nhiên, ông Suslov cho biết chưa có bất kỳ tín hiệu chính thức nào từ Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao Mỹ ủng hộ dự luật này.
Theo truyền thông Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump đã “âm thầm gây sức ép” lên Thượng viện nhằm làm “mềm” dự luật này bằng cách thay thế cụm từ “phải thực hiện” thành “có thể thực hiện” trong văn bản, nhằm loại bỏ tính bắt buộc của các biện pháp trừng phạt được đề xuất.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng nếu được thông qua, dự luật này sẽ đi ngược lại với các bước đi ngoại giao gần đây của chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm thỏa thuận thương mại khung với Trung Quốc và các cuộc đàm phán tích cực với Ấn Độ, hai đối tác quan trọng đang nhập khẩu khối lượng lớn dầu của Nga.
Đối với thị trường năng lượng, các chuyên gia cảnh báo rằng hậu quả của việc áp thuế khủng với dầu Nga có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Một động thái thiếu cân nhắc sẽ khiến thị trường nhiên liệu thế giới hỗn loạn, và cuối cùng, chính người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá bằng hóa đơn xăng dầu, điện sưởi cao ngất.
Bà Tamara Safonova, Giám đốc cơ quan phân tích độc lập NAANS-MEDIA chuyên về lĩnh vực dầu khí, nhận định việc tăng thuế gấp 5 lần sẽ buộc các quốc gia mua dầu Nga ngừng hợp tác với Mỹ. Điều này không chỉ dẫn đến việc hình thành các chuỗi cung ứng mới, mà còn tạo ra những cú sốc trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Hiện Nga chiếm khoảng 11% xuất khẩu dầu mỏ toàn cầu, 28% khí đốt qua đường ống và 10% khí hóa lỏng (LNG). “Nếu Nga đột ngột cắt đứt nguồn cung năng lượng, thị trường năng lượng thế giới sẽ chứng kiến cú sốc trái ngược hoàn toàn so với thời kỳ Covid-19, khi nhu cầu dầu giảm 25% chỉ trong vài tuần”, bà Safonova cho hay.
Dự luật được đề xuất lần đầu vào tháng 3, nhưng việc đưa ra Thượng viện bỏ phiếu bị trì hoãn do Nhà Trắng phản đối việc gia tăng áp lực trừng phạt với Nga vào thời điểm đó. Theo kế hoạch, văn kiện này sẽ được trình lên Thượng viện Mỹ vào tháng 8 tới.

EU muốn siết trần giá dầu Nga, ông Trump lại “phanh gấp”
Kinhtedothi - Kế hoạch hạ giá trần dầu Nga của EU có nguy cơ không thực hiện được do Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối.

EU siết giá dầu Nga, Điện Kremlin cảnh báo nguy cơ hỗn loạn toàn cầu
Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc Ủy ban châu Âu xem xét hạ giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga có thể gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu.

Quốc gia châu Âu đẩy nhanh nỗ lực tiếp cận dầu Nga
Kinhtedothi - Budapest và Belgrade sẽ đẩy nhanh việc xây dựng một đường ống mới để vận chuyển dầu thô Nga đến Serbia qua hệ thống năng lượng Druzhba. Quyết định này được đưa ra sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.