Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Định hình phương thức quản trị công mới từ chính quyền đô thị] Bài 2: Hiệu quả từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Nhóm PV TSCT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thực tiễn đang cho thấy, Hà Nội bước vào thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) thông suốt, bởi TP đã có sự chuẩn bị bài bản, thận trọng, kỹ lưỡng từ sớm. Đây thực sự là cơ hội để Hà Nội giải quyết những bất cập trong công tác quản lý tại đô thị, giúp TP phát triển nhanh, bền vững.

Bước chuyển quan trọng

Tính từ thời điểm Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về “Thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại TP Hà Nội” (27/11/2019), cùng với các bộ, ngành, TP Hà Nội đã có những bước chuẩn bị kỹ càng để triển khai một mô hình mới, tháo gỡ các nút thắt trong hiện tại. Để thuận lợi cho việc chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, từ những năm trước, TP đã tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đáng chú ý, một trong những định hướng trọng tâm phát triển TP là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp, từng bước để đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từ TP tới cơ sở tiếp cận, làm quen với việc quản lý theo mô hình CQĐT. Sau đó là những bước chuẩn bị về đội ngũ, cơ chế, chính sách và các văn bản pháp lý đi kèm để có thể vận hành một mô hình mới thông suốt.
  Cán bộ phường Trung Liệt (quận Đống Đa) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa. Ảnh: Trần Long
Như TS Thang Văn Phúc (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ) đã nhận định: Vấn đề cán bộ được coi là cốt lõi và quan trọng nhất, Hà Nội đã chuẩn bị tốt về vấn đề này. Hà Nội đang đi vào chiều sâu của quá trình sắp xếp và tinh giản biên chế. Vai trò của UBND các cấp, chất lượng của chính quyền địa phương đang được nâng lên, thể hiện ở việc chuyển từ mục tiêu quản lý, “xin - cho” sang mục tiêu phục vụ. Khi triển khai thí điểm mô hình CQĐT, các vấn đề này tiếp tục làm mạnh hơn, hình thành một đội ngũ quản trị tinh thông và chuyên nghiệp. Đồng thời, thổi làn gió mới, tinh thần mới vào toàn hệ thống chính trị và thúc đẩy được cả người dân tham gia, bởi đây là sự thay đổi quản trị công lớn, xác lập lại thể chế vận hành mới của chính quyền các cấp.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97, TP đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa. Đặc biệt, UBND TP đã ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND phường, xác định rõ nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc của UBND phường với vị trí là một cơ quan hành chính. HĐND TP

Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách quận, thị xã, phường khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị. TP cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc triển khai một số nội dung về tài chính - ngân sách… Công an TP hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành, phối hợp với UBND quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Sở Nội vụ đã hướng dẫn về việc chuyển Chủ tịch, Phó Chủ tịch, công chức cấp xã ở phường thành công chức do UBND quận, thị xã quản lý.

Chủ động phương án

Đến trước thời điểm 1/7, để chuẩn bị vận hành mô hình hành chính mới, để sắp xếp công tác cán bộ và các công việc hành chính liên quan, cùng với TP, các quận, phường cũng đã đưa ra phương án triển khai của đơn vị mình. Do bắt đầu một mô hình mới mà TP chưa có tiền lệ nên cũng có những lúng túng tuy nhiên hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc phân cấp hợp lý, tạo ra sự đồng bộ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương, phù hợp với yêu cầu xây dựng đô thị thông minh. Với mô hình này, cũng làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, quận đã làm tốt công việc chuẩn bị cho việc triển khai thí điểm CQĐT tại 21 phường. Các phường đều xây dựng quy chế làm việc đúng tinh thần “tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực”. Đến nay, việc thực hiện đang được vận hành tốt và không có quá nhiều trở ngại. Tuy nhiên, để hệ thống được hoàn thiện tốt hơn trong thời gian tới, vẫn còn nhiều việc cần bổ sung, đặc biệt là về nhân sự.

Với đặc thù một địa bàn mang tính chất giao thương của người ngoại tỉnh qua lại rất đông thì quản lý địa bàn rất phức tạp, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa) Hoàng Thị Bảo Phương chia sẻ: Để quản lý một địa bàn mang tính chất biến động hàng ngày, hàng giờ, phường tập trung công tác quản lý thực tế tại cơ sở, địa bàn dân cư. Đây cũng là áp lực cho cán bộ phường khi phải luôn luôn bật ra ngoài cơ sở để nắm bắt, giải quyết kịp thời. Trước khi chuyển sang mô hình CQĐT, quận và phường đã có công tác khảo sát, xin ý kiến và tuyên truyền. Theo đó, từ người dân đến cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ, công chức phường đã có nhận thức đầy đủ và chuẩn bị hành trang về kiến thức. Do đó, khi thực hiện chuyển đổi sang mô hình mới không có nhiều sự bỡ ngỡ. Đặc biệt, sự tinh gọn và đề cao trách nhiệm, vai trò của mỗi cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ theo mô hình mới làm cho cán bộ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong quá trình thực thi công vụ.

Chỉ ra lợi ích lớn nhất là những vấn đề phát sinh trong chức năng quản lý Nhà nước của phường mà người dân kiến nghị được giải quyết nhanh, kịp thời hơn, lãnh đạo các phường đều cho rằng, đó chính là điều người dân được thụ hưởng, khó khăn gì đều được chăm lo kịp thời. Bởi với chế độ thủ trưởng, phụ trách địa bàn, Chủ tịch UBND phường có trách nhiệm, thẩm quyền để giải quyết nhiều việc tức thời, quan tâm xử lý nhanh việc không cần phải phối hợp.

Như vậy có thể thấy rằng, bắt đầu một mô hình mới, những bỡ ngỡ, lúng túng bước đầu có thể sẽ xuất hiện, đòi hỏi cán bộ, công chức phải có khả năng tư duy mới, cách làm việc mới, kỹ năng thực thi công vụ cụ thể với từng nhiệm vụ được phân cấp. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị cẩn trọng từ TP đến các phường, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giữa UBND phường với đơn vị thuộc quận và TP, chắc chắn những lúng túng đang dần được tháo gỡ.

"Khi thực hiện mô hình CQĐT, từ cán bộ lãnh đạo đến các chuyên viên phải nâng cao tính độc lập trong giải quyết công việc chuyên môn. Từ đó, mỗi cán bộ, công chức sẽ nâng cao được vai trò tham mưu; lãnh đạo phường cũng tăng tính tự chịu trách nhiệm, sát với công việc hơn. Việc đưa ra các giải pháp trong tình huống cấp bách, nóng sẽ tạo cho cán bộ được cọ sát, va vấp để từ đó có sự tự tin, trưởng thành hơn trong cách điều hành, giải quyết công việc về sau." - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa) Hoàng Thị Bảo Phương


"Sau hơn 5 tháng, tại quận chưa ghi nhận khó khăn từ cơ sở, vì thực tế khi thực hiện mô hình này, số lượng cán bộ, công chức giảm đi nhưng có sự phân cấp phân quyền cụ thể hơn. Riêng trong việc ủy quyền cán bộ tư pháp thực hiện chứng thực, công chứng, trước khi thực hiện, Phòng Tư pháp quận đã thẩm định danh sách các cán bộ tư pháp ở các phường về điều kiện tiêu chuẩn và tư cách đạo đức cho việc giao nhiệm vụ vụ ủy quyền này." - Trưởng phòng Nội vụ UBND quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng


"Phường đã sớm thực hiện rà soát đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng dẫn của cấp trên để xây dựng phương án sắp xếp, bố trí theo quy định. Bên cạnh đó rà soát hiện trạng đội ngũ công chức, người hoạt động không chuyên trách ở phường và ở tổ dân phố; ban hành quy chế làm việc mới, đây là cơ sở để hoạt động của CQĐT tại phường vận hành tốt trong những tháng qua." - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Trần Thị Nga

(Còn nữa)