Vai trò trong năm bản lề
Năm 2022 là thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Cùng đó, đây cũng là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Chính vì vậy, vai trò của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V không chỉ nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và những bài học, kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn vừa qua mà còn để quán triệt, cùng thống nhất nhận thức và hành động của cả xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh Hội thảo, chuỗi các sự kiện liên quan như: Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; Hội thảo khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Triển lãm thành tựu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng sẽ được diễn ra với các bài tham luận, nghiên cứu của chuyên gia đầu ngành.
Trong giai đoạn tới, quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước phát triển xanh và bền vững thống nhất tổ chức triển khai các chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhằm đưa nhanh các chính sách đi vào cuộc sống, đưa công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam sớm bắt nhịp với các nước tiên tiến trên thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, năm nay, Bộ lựa chọn chủ đề “Hài hoà phát triển kinh tế và BVMT hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững” như một lời kêu gọi mạnh mẽ về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học, vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn.
Với ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn dân cùng sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, đối tác quốc tế, Việt Nam sẽ thành công trong chuyển mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế dựa vào khả năng cung ứng của tự nhiên, cung ứng tuần hoàn, cung ứng các-bon thấp.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, đánh giá cụ thể và khách quan về những mặt đã được, chưa được về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần tập trung vào khó khăn, vướng mắc do những nguyên nhân chủ quan để chuyển hóa thách thức thành cơ hội.
Tiếp nối những thành tựu
Để nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm, Bộ Trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị mỗi người dân, DN và toàn xã hội cần nâng tầm hoạt động bảo vệ môi trường thành đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên. Xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội và đặc biệt là chấm dứt tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Thứ hai, giải pháp chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên. Tại hội nghị, các đại biểu cũng bàn về các giải pháp để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông chính; thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải.
Cùng đó là xây dựng lộ trình, nhiệm vụ triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng; giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; các mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.
Năm là, tăng cường sự hợp tác quốc tế, đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng số trong giải quyết những vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, sau 5 năm chủ trì thực hiện, từ lần thứ 4 tới nay, chúng ta thấy được đóng góp rất lớn của ngành TN&MT và các lĩnh vực về bảo vệ tài nguyên mà chúng ta đã thực hiện được. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn vừa qua phát triển rất tốt, giữ ổn định, đời sống của Nhân dân được cải thiện. Song song với phát triển kinh tế, các chỉ tiêu về môi trường đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương thực hiện thành công, bám sát.
“Vừa qua, chúng ta đã thực hiện quy hoạch đất đai, trong đó, kiên định mục tiêu giữ đất rừng, đất trồng lúa bảo đảm mục tiêu mà Đại hội Đảng đưa ra. Phát triển kinh tế - xã hội, những dự án ứng dụng công nghệ mới, công nghệ khoa học kỹ thuật, công nghệ tuần hoàn ngày càng nhiều hơn hay các điểm, khu vực ô nhiễm đã được giải quyết ngày càng tốt hơn”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận xét.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta không được chủ quan với những thành tựu, kết quả đã đạt được, mà cần tiếp tục đưa ra một số giải pháp, chương trình như phát triển số lượng cây xanh ở các địa phương, cây xanh tại khu đô thị. Tiếp theo là rà soát lại các dự án, nhà máy đã xây dựng trong khu đô thị, khu công nghiệp để từng bước di chuyển nếu gây ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, từ Trung ương tới địa phương, các bộ, ngành cần tập trung đào tạo nhân lực lĩnh vực bảo vệ môi trường để đáp ứng được tốc độ cải tiến, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ.
Hội nghị Môi trường toàn quốc năm 2022 là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường kết nối giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương. Do đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành hy vọng kết quả quan trọng tại Hội nghị sẽ là tiền đề quan trọng để chung tay, góp sức thúc đẩy mạnh mẽ những hành động cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường những năm tiếp theo.