Ngày 7/4, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Tham dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, tính đến hết năm 2022, vùng ĐBSCL có 2.615 HTX nông nghiệp và 20 Liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 13,4% tổng số HTXNN toàn quốc. So với thời điểm năm 2016, tổng số HTX nông nghiệp cả vùng tăng hơn gấp 2 lần (năm 2016 là 1.251 HTX nông nghiệp). Trung bình mỗi tỉnh vùng ĐBSCL có 194 HTX. Hầu hết các tỉnh trong vùng ĐBSCL có từ 100 đến 200 HTX.
Những hạn chế HTX nông nghiệp tại ĐBSCL
Báo cáo tham luận tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Ông Nghiêm Xuân Thành – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: HTX nông nghiệp tại tỉnh Hậu Giang chiếm gần 90% trong các HTX. Thời gian qua, mặc dù HTX có sự cải thiện về cơ cấu tổ chức, đặc biệt là cơ cấu lại HTX, thành lập HTX mới, HTX có sự liên kết với các thành viên với nhau, tạo thành chuỗi phát triển kinh tế nông nghiệp, tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, sự cải thiện vẫn còn khiêm tốn. Kinh tế Hậu Giang xác định lộ trình, chiến lược rõ ràng phát triển bền vững. Riêng đối với kinh tế nông nghiệp và HTX, xác Kịnh trọng tâm là HTX nông nghiệp rất thiết thực, quan trọng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Nhà nước cần áp dụng thiết 2 bàn tay vào nông nghiệp, bàn tay thứ nhất bàn tay vô hình, là các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp; bàn tay thứ 2 rất quan trọng – chính là nguồn lực đủ lớn để khuyến khích hỗ trợ HTX nông nghiệp bằng các ngân sách bố trí cho các HTX.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đồng quan điểm về quy định mỗi nông thôn mới phải có 1 HTX. Sau khi HTX được thành lập, rất khó duy trì hoạt động do thành viên ít và hạn chế về nguồn vốn.
Theo ông Trần Anh Thư -Phó chủ tịch UBND An Giang, do thành viên HTX cũng khó khăn về nguồn vốn nên HTX gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất bền vững (GAP). Kết quả là tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình GAP và mô hình sản xuất thông minh với biến đổi khí hậu còn thấp, quy mô ứng dụng công nghệ cao của HTX còn nhỏ.
Một số lãnh đạo địa phương cho rằng, các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp như: tín dụng, khoa học công nghệ, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ rủi ro thiên tai dịch bệnh,…. thời gian qua các HTX nhìn chung khó tiếp cận. Ngoài ra, sự hỗ trợ của nhà nước cho HTX trong quản trị, xây dựng và thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh còn hạn chế.
HTX bền vững hướng tới kinh tế nông nghiệp tuần hoàn
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: HTX mạnh hay yếu, bền vững hay không, không chỉ giới hạn ở không gian HTX, trong số thành viên HTX, trong sự đóng góp tăng trưởng GRDP của địa phương, mà còn tác động tới sự bền vững của không gian sản xuất nông nghiệp, hình ảnh của nền nông nghiệp.
“Chúng ta hãy đặt định hướng phát triển bền vững trong không gian rộng lớn hơn như vậy, chúng ta mới thấy cần hành động quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, từ trên xuống dưới, từ dưới lên, bên trong và bên ngoài HTX.”, Bộ trưởng nói.
Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển HTX bền vững. Cụ thể, HTX bền vững giúp chúng ta mới vượt qua thực trạng nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi ấy, thu nhập của người nông dân tăng lên nhiều lần, nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung.
Đồng thời HTX bền vững tạo ra chuỗi ngành hàng, từ đó tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. HTX bền vũng còn hướng tới mục đích kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, và trước hết Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; giá trị nông nghiệp không chỉ là quy mô sản lượng, mà còn tối đa hóa giá trị tích hợp, sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Từ đó, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị: Thứ nhất, chúng ta cần sự quan tâm đúng mức với HTX, từ trong nhận thức đến hành động, từ trong hệ thống chính trị, từ ban hành các nghị quyết, chương trình hành động với mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể, có thể đo lường được. Cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, truyền thông nâng cao nhận thức của cả xã hội về HTX. Các trường chính trị địa phương cần đưa HTX vào giảng dạy cho đội ngũ cán bộ các cấp theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022. Bộ NN&PTNT sẽ chuẩn bị đề cương, giáo trình tập huấn cho giảng viên các trường chính trị.
Thứ hai, Bộ trưởng gợi ý xem ngày 7/4 là cột mức mới phát triển HTX, xem đây là mốc thời gian định kỳ hàng năm tổ chức Ngày HTX ở cấp độ địa phương, cấp độ vùng nhằm tôn vinh các HTX mạnh, hiệu quả, năng động, có nhiều sáng kiến giá trị lan tỏa cộng đồng.
Thứ ba, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan của Bộ, Cục KTHT&PTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia… thông qua Văn phòng điều phối nông nghiệp nông thôn của Bộ sẽ có những kế hoạch đổi mới sản phẩm cụ thể đối với từng địa phương. Bên cạnh đó, Bộ đang cùng các địa phương trong vùng chuyển đổi số, trong đó có số hóa các HTX, các vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, bắt đầu từ tỉnh Đồng Tháp và Bến Tre theo quyết định của Thủ tướng chính phủ. Thứ tư, Bộ đang phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT thiết kế các gói tín dụng riêng cho HTX vùng ĐBSCL trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.