Nông sản Việt trước bài toán tiêu chuẩn, chất lượng của EU
Kinhtedothi - Với thị trường có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm rất cao như EU, doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải kịp thời cập nhật thông tin, đáp ứng các quy định mới liên quan. Việc này sẽ giúp nông sản Việt tạo được uy tín lâu dài tại thị trường tiềm năng này.
EU là thị trường khó tính bậc nhất thế giới
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu nông sản sang thị trường EU đạt 3,47 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nhiều măt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận sự phục hồi rõ rệt và tăng trưởng cao.

Sản phẩm gạo hữu cơ Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Australia và Bỉ. Ảnh: Ngọc Ánh
Đơn cử, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đạt 352 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Hay sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU là nhờ các DN đã tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, DN đã xuất khẩu hàng chục container gạo sang thị trường EU. Các đơn hàng được duy trì đều đặn hàng tháng nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho khách hàng tại thị trường này. Trong thời gian vừa qua, dù thị trường gạo xuất khẩu có nhiều biến động, nhưng vì DN lựa chọn phân khúc gạo chất lượng cao, do đó, mức giá và khối lượng xuất khẩu khá ổn định.”
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trung bình mỗi năm, EU nhập khẩu trên 2 triệu tấn gạo của Việt Nam. Từ đầu năm 2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu đến thị trường EU chưa khi nào ở mức dưới 700 USD/tấn, trong đó, riêng với gạo ST đạt mức xấp xỉ 1.200 USD/tấn. Dù mức giá này cao so với các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam nhưng so với mức giá gạo của nhiều nước xuất khẩu gạo vào EU, đây là mức giá trung bình chưa phải cao.
Nhận định về thị trường EU, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam lợi thế cạnh tranh lớn nhất ở thị trường EU nhờ việc đã ký kết EVFTA. Dù vậy, việc ký kết EVFTA giúp giảm hàng rào thương mại hay những ưu đãi về thuế quan, nhưng nếu nông sản Việt không đạt tiêu chuẩn của thị trường cũng sẽ không vào được.
“Mặc dù thị trường EU rất tiềm năng nhưng lại yêu cầu rất cao về chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; thường xuyên thay đổi các quy định áp dụng bắt buộc về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, về đối tượng kiểm dịch, về quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm… Do đó, DN phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của EU mới đạt được các hợp đồng bán nông sản có giá trị cao và đi đường dài.” – ông Trần Thanh Hải lưu ý.
Cần xây dựng chiến lược xuất khẩu dài hạn
Bộ Công Thương đánh giá, sau gần 5 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu hàng hóa nói chung từ Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh nhờ ưu đãi thuế quan. Năm 2024, Việt Nam duy trì xuất siêu với EU đạt mức cao nhất trong các FTA mà Việt Nam tham gia.
Trích dẫn
EU là thị trường khó tính. Thị trường này dành cho những DN có lối làm ăn chuyên nghiệp, bài bản. Những yêu cầu cao, chặt chẽ không phải là rào cản mà là tiêu chuẩn thị trường. Một khi đáp ứng tốt, DN Việt sẽ khẳng định được uy tín, vị thế của mình tại thị trường EU.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải
Cơ hội thị trường cho nông sản Việt Nam tại thị trường EU là rất lớn. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) Ngô Xuân Nam, đối với thị trường có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm rất cao như EU, DN cần tăng cường cập nhật thông tin và kịp thời đáp ứng các quy định mới liên quan. Đây là điều kiện tiên quyết để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.
Bên cạnh sự nỗ lực từ chính các DN, ông Ngô Xuân Nam đề xuất, các cơ quan chức năng phải tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất. Bên cạnh đó, cần có văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn, chứng nhận an toàn thực phẩm… tới các cơ sở chế biến, đóng gói và DN xuất khẩu nông sản, thực phẩm.

EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa
Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, các khâu sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật.
Giới chuyên gia cho rằng, về dài hạn, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về nâng cao nhận thức, tổ chức hệ thống SPS Việt Nam, cơ chế chính sách, nguồn lực, hợp tác quốc tế. Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch và chiến lược dài hạn cho thị trường EU. Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Bộ Công Thương cần phối hợp xây dựng bộ tiêu chí phân loại thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực. Quan trọng hơn cả là cần xây dựng các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với nâng cao năng lực chế biến và liên kết theo chuỗi giá trị.

Nông sản Việt mở rộng dấu ấn tại thị trường Trung Quốc
Kinhtedothi - Từ đầu năm 2025 đến nay, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục tăng; qua đó khẳng định quan hệ đối tác thương mại hiệu quả giữa hai nước.

Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản Việt
Kinhtedothi - Cơ hội để nông sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu là rất lớn, song cốt lõi vẫn nằm ở chất lượng hàng hoá nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã và hàng rào thương mại.

Tiếp đà tăng trưởng xuất khẩu nông sản
Kinhtedothi - 4 tháng đầu năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục ghi nhận giá trị gia tăng xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Dù vậy, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, việc đa dạng hoá thị trường để phân tán rủi ro và duy trì tăng trưởng xuất khẩu là bài toán đặt ra.