Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản Việt
Kinhtedothi - Cơ hội để nông sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu là rất lớn, song cốt lõi vẫn nằm ở chất lượng hàng hoá nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã và hàng rào thương mại.
Đi đúng hướng xuất khẩu chính ngạch
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Minh chứng là trong năm 2024, người tiêu dùng Trung Quốc chi 4,6 tỷ USD để mua rau, quả Việt Nam.

Khoai lang là 1 trong 6 mặt hàng nông sản đã được ký nghị định thư xuât khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh hoạ
Đến nay, Việt Nam có 14 loại nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân, đem lại doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Trong đó, 6 mặt hàng hai bên đã ký nghị định thư xuất khẩu (dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi và khoai lang) và 6 mặt hàng truyền thống chưa được chuẩn hóa bằng nghị định thư xuất khẩu (thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít); 2 mặt hàng chanh leo, ớt đang được xuất khẩu thí điểm.
Mới đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (từ ngày 14 - 15/4), Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký 4 nghị định thư về xuất khẩu ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc.
Như vậy, đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 24 thỏa thuận ghi nhớ và nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra, Nhật Bản, Mỹ… cũng đang dần tăng lượng hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Đáng chú ý, thị trường EU ngày càng gia tăng nhập khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó có gạo. Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, mỗi năm, thị trường EU nhập khẩu trên 2 triệu tấn gạo. So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam có thể cạnh tranh lớn nhất ở thị trường EU nhờ việc đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Đặc biệt, liên minh sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào thị trường này mỗi năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Hiện tại, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.
Kiểm soát chặt từ sản xuất đến đóng gói, chế biến
Giới chuyên gia nhận định, cánh cửa cho nông sản Việt Nam ra các thị trường thế giới ngày một lớn, điều quan trọng là các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải bám sát thị trường và các tiêu chí để có những đơn hàng bền vững. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tập trung vào những mặt hàng đã được ký nghị định thư.

Chôm chôm là một trong những mặt hàng nông sản được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh minh hoạ
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, sau hơn 2 năm thí điểm nhập khẩu, giữa tháng 4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu chanh leo sang thị trường Trung Quốc.
Theo đó, tất cả các vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói chanh leo muốn xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và được cả Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và bảo đảm các điều kiện vệ sinh như duy trì tốt môi trường sản xuất tốt cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng; áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Không chỉ vùng trồng, cơ sở đóng gói chanh leo xuất khẩu cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
“Trong năm đầu tiên, kể từ ngày Nghị định thư này có hiệu lực, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Nếu trong năm đầu tiên không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật, tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%. Nếu phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống thì toàn bộ lô hàng không được xuất khẩu sang Trung Quốc” –Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay.
Không riêng chanh leo, tất cả các mặt hàng nông sản đã và đang ký Nghị định thư với thị trường Trung Quốc đều phải kiểm soát chặt từ khâu sản xuất đến đóng gói, chế biến. Các thị trường lớn khác, như: Mỹ, Nhật Bản, EU… cũng cần sự minh bạch trong sản xuất và chế biến để có thể tồn tại bền vững tại những thị trường tỷ đô này.
Trích dẫn
Để xuất khẩu đi đường dài, toàn ngành sẽ siết chặt quản lý các vùng trồng xuất khẩu; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, sơ chế đóng gói. Song, mấu chốt vẫn là sản xuất sạch, đáp ứng tiêu chuẩn và đầu tư cho sản phẩm chế biến. Có như vậy, nông sản Việt Nam mới phát triển bền vững, tiếp tục mở rộng thị trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy

Đa dạng hoá thị trường, phân tán rủi ro cho xuất khẩu nông sản
Kinhtedothi - Quý I/2025, tổng giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh và các thay đổi về chỉnh thuế, việc đa dạng hoá thị trường để phân tán rủi ro cho xuất khẩu nông sản là vấn đề cần được tập trung thúc đẩy.
Đưa nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”
Kinhtedothi - Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Để đạt được mục tiêu trên, lĩnh vực nông nghiệp cần bảo đảm mức tăng trưởng liên tục trên 3%. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ.

Luật Thủ đô năm 2024: tạo sức bật cho phát triển nông nghiệp, nông thôn
Kinhtedothi - Các quy định của Luật Thủ đô năm 2024 được kỳ vọng tạo sức bật mới cho nông nghiệp, kiến tạo những miền quê nông thôn đáng sống, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 của TP Hà Nội.