Nông sản Việt mở rộng dấu ấn tại thị trường Trung Quốc
Kinhtedothi - Từ đầu năm 2025 đến nay, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục tăng; qua đó khẳng định quan hệ đối tác thương mại hiệu quả giữa hai nước.
Điểm đến của nông sản Việt
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu nông sản 3 tháng đầu năm 2025 đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông sản Việt Nam với thị phần chiếm 42%.
Xét theo thị trường chi tiết, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu nông sản Việt Nam lớn thứ hai thế giới với thị phần 17,3%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Trung Quốc tăng 3,6%.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 73,7%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu cao su những tháng đầu năm 2025 sang thị trường Trung Quốc tăng 21,9%.

Sầu riêng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Mặt hàng rau quả của Việt Nam hiện cũng chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tỷ trọng giá trị xuất khẩu chiếm 44,5%. Dù giá trị xuất khẩu đang biến động nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của rau quả Việt.
Một mặt hàng khác mà Trung Quốc đang nằm trong tốp 3 thị trường xuất khẩu của Việt Nam là hạt điều. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ hạt điều lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm thị phần 9,8%.
Mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam cũng chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khi thị trường này chiếm tới 94% thị phần. Đối với gỗ và sản phẩm gỗ, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba với thị phần 10,6%.
Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 21,7%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản những tháng đầu năm 2025 sang thị trường Trung Quốc tăng đến 75,9%.
Duy trì thị trường trọng điểm
Có thể khẳng định, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam. Ngoài các mặt hàng thế mạnh như rau quả, thủy sản, các doanh nghiệp đang tập trung tăng thị phần các mặt hàng còn nhiều tiềm năng như cao su, hạt tiêu, sắn…
Sức tiêu dùng hàng hóa lớn, mức chi trả cho hàng hóa chất lượng nhập khẩu vẫn tăng trưởng hàng năm, tạo dư địa lớn cho các nhà xuất khẩu trong nước. Điều này được thấy rõ qua việc Trung Quốc liên tiếp mở cửa thị trường cho nông sản Việt thời gian qua, như sầu riêng, chanh dây, tổ yến, dưa hấu…
Bên cạnh đó, số lượng mặt hàng được xuất chính ngạch vẫn đang gia tăng nhờ công tác đàm phán, mở cửa thị trường được đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gồm: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao tăng trưởng GDP lĩnh vực nông nghiệp là 4,0%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 64 - 65 tỷ USD.
“Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thời gian tới, cùng với duy trì thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục triển khai chủ động, hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, EVFTA, các Hiệp định khu vực và song phương với các nước.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại đối với những thị trường lớn, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ, liên minh châu Âu. Đồng thời tích cực mở cửa thị trường mới, đặc biệt là các thị trường còn nhiềm tiềm năng như Halal, Trung Đông, châu Mỹ…
Trích dẫn
Việc ký kết các nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thời gian qua đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản của Việt Nam tại thị trường này. Đơn cử, sau khi có Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường này trong 2 năm qua (2023 - 2024) đã chạm mốc 5,5 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với các năm trước cộng lại.

Malaysia siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và các nước
Kinhtedothi - Malaysia đang lấy ý kiến cho việc “Thêm nội dung mới đối với quy định thực phẩm năm 1985 [P.U.(A) 437/1985] - Phần IIB: Chương trình Đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu”, nhằm siết chặt quy định nhập khẩu nông sản từ các quốc gia (bao gồm cả Việt Nam).

Hà Nội thành lập Trung tâm CNTT và Chuyển đổi số nông nghiệp và môi trường
Kinhtedothi - Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) và Chuyển đổi số nông nghiệp và môi trường là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Hà Nội: gia tăng giá trị trồng trọt, hướng đến tăng trưởng nông nghiệp 3,5%
Kinhtedothi - Ngày 1/4, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã đi thăm đồng, kiểm tra sản xuất vụ Xuân 2025 tại huyện Mê Linh.