Định hướng quan hệ Việt - Trung trong thời kỳ mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5 - 6/11.

Chiều 5/11, ngay sau lễ đón trọng thể với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành hội đàm.

Thời điểm chín muồi
Chiều 5/11, kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 2 biên bản hợp tác. Ngoài ra, trong chuyến thăm này, lãnh đạo Việt – Trung  còn chứng kiến lễ ký kết khoảng 10 hiệp định hợp tác về các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, thương mại, đầu tư...

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trong 9 năm qua. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung đang duy trì xu thế phát triển tích cực, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là cơ hội để hai bên tìm ra biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững trong tương lai. Trong bối cảnh hai bên tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung, dư luận Việt Nam và Trung Quốc cũng như khu vực đều cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để đưa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước láng giềng đi vào thực chất. Mặc dù giữa hai bên còn không ít vấn đề vướng mắc, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình được các nhà bình luận của Tân Hoa Xã nhận định là “sự nhạy bén trong chiến lược của cả Bắc Kinh và Hà Nội” nhằm phát đi thông điệp cho thế giới thấy niềm tin giữa hai đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, vạch ra con đường tương lai của mối quan hệ song phương.

Trước đó, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, quan hệ hợp tác với Trung Quốc là "một ưu tiên" trong chính sách đối ngoại của mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cam kết, hai bên sẽ chủ động hợp tác với Trung Quốc nhằm "tìm ra một giải pháp chấp nhận được cho cả hai bên để duy trì hòa bình và ổn định".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư , Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt Đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam. 	Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư , Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt Đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Vì thế, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt - Trung và trong tổng thể quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Với chuyến thăm này, Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; nhất quán coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, thực chất với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi; duy trì hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước; bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiểm soát tốt bất đồng, cùng duy trì xu thế hòa bình, ổn định trên Biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Đôi bên cùng có lợi

Ngoài cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chiều 5/11, ông Tập Cận Bình còn có cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Trong lịch trình làm việc bận rộn giữa các nhà lãnh đạo Việt – Trung, hai bên dự kiến sẽ bàn thảo nhiều về vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại với mục tiêu trao đổi thương mại song phương cán mốc 60 tỷ USD trong năm nay và phấn đấu đưa kim ngạch song phương lên mức 100 tỷ USD và ký kết hơn 10 văn kiện hợp tác.

Mặc dù còn không ít ý kiến liên quan đến vấn đề xuất siêu, mất cân bằng thương mại, các chuyên gia của hai bên đều cho rằng, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn giữ được mức tăng trưởng bền vững. Trong những năm qua, hai nước đã không ngừng thực hiện các giải pháp để phát huy các yếu tố thuận lợi về cơ cấu kinh tế, vị trí địa lý, sự đa dạng hóa trong hình thức trao đổi thương mại của hai bên, điển hình như chương trình "Hai hành lang, một vành đai kinh tế".

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 người Việt Nam và Trung Quốc qua lại biên giới biến nơi đây trở thành điểm giao thương kinh doanh nhộn nhịp nhất khu vực. Sau khi được chính phủ cho phép cư dân biên giới kinh doanh quy mô nhỏ từ năm 1990, đến nay Đông Hưng đã trở thành khu thương mại biên giới lớn nhất Trung Quốc, với hơn 10.000 người bán thủy hải sản, nông sản và quần áo. Ngoài ra, theo ông Jiang Biao - Phó Giám đốc cơ quan quản lý thương mại biên giới Đông Hưng, chỉ riêng 100 gian hàng của thương nhân Việt Nam tại đây với mức giao dịch vượt quá 10 triệu Nhân dân tệ (NDT)/ngày. Có được kết quả này là do, chính quyền Bắc Kinh cho phép cư dân biên giới được phép mua số hàng hóa Việt Nam trị giá tới 8.000 NDT/ngày mà không mất thuế.

Theo nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học và Xã hội Quảng Tây Zhao Minglong, trao đổi thương mại tăng Việt – Trung xích lại gần nhau và đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển của cả khu vực. Vì vậy, nhà nghiên cứu này tin tưởng rằng, tăng cường hợp tác sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và Trung Quốc trong tương lai. Thương nhân tham gia buôn bán tại các khu vực biên mậu cũng hy vọng, các văn kiện được lãnh đạo hai nước ký kết trong chuyến thăm này sẽ giúp tăng trao đổi thương mại song phương.

Trong 65 năm qua, quan hệ Việt – Trung đã phát triển mạnh mẽ và đạt được thành tựu đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối mặt với những cơ hội và thách thức của cục diện địa chính trị đầy biến động của khu vực và thế giới, hơn lúc nào hết, lãnh đạo hai nước Việt – Trung cần một môi trường hòa bình và ổn định để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển. Và chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình cho thấy, Việt – Trung hoàn toàn có thể duy trì mối quan hệ ổn định, tăng hợp tác song phương vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Tại cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình nhấn mạnh, hai nước Trung - Việt có lợi ích chung rộng rãi, hợp tác hữu nghị luôn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước. Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hai bên cần nắm vững phương hướng phát triển đúng đắn của quan hệ Trung - Việt; tăng cường tin cậy chính trị, tăng cường đối thoại và hợp tác về ngoại giao, an ninh, quốc phòng, đẩy mạnh giao lưu nhân văn, thúc đẩy hợp tác thực chất cùng có lợi, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, cầu đồng tồn dị, kiểm soát bất đồng, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần đóng góp cho hòa bình, phát triển và phồn vinh của khu vực. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ tán thành những phương hướng và biện pháp lớn nhằm phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất; cho rằng, hai bên cần tích cực nghiên cứu và thực hiện kết nối chiến lược phát triển và năng lực sản xuất, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước, thúc đẩy hợp tác và kết nối kinh tế ở khu vực; khẳng định Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu sang Việt Nam, sẵn sàng thúc đẩy cán cân thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững; sẽ khuyến khích DN Trung Quốc tăng cường hợp tác về thương mại và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; nỗ lực cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì đại cục quan hệ Trung - Việt và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần