Đình Tả Quan thờ Đức Quý Minh, một bộ tâm phúc của Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) làm thành hoàng.
Tục truyền, Quý Minh, Cao Sơn và Tản Viên Sơn thánh là ba anh em kết nghĩa, giúp vua Hùng thứ 18 chống lại quân Thục. Trước năm 1938, làng Tả Quan còn giữ được sắc phong thuộc các đời vua.
Phả ký đình Tả Quan và tộc phả nhiều dòng họ ghi lại vào năm Canh Thân và Tân Dậu đời Lê Canh Hưng (1740-1741), do gặp cảnh loạn lạc, dân làng Tá Lan phải bỏ làng phiêu bạt khắp nơi. Lúc tạm yên, các cụ Lê Phúc Hải, Nguyễn Thuận Chúng mới chiêu tập dân làng hồi hương, khôi phục lại làng xóm cũ cũ. Đức Quý Minh được nhà vua khen thưởng, dân Tá Lan (tên cũ của thôn Tả Quan) tôn thờ làm thành hoàng.
Trong đình còn lưu giữ được 14 đạo sắc phong từ đời Đức Long thứ 4 (1632) đến Khải Định thứ 9 (1925). Đức Quý Minh cùng giúp vua Hùng Vương đánh quân thục Phán, giữ yên bờ cõi, bình định giang sơn xã tắc, thời đất nước Văn Lang.
Các di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật đáng quan tâm ở đình gồm: khám thờ ngai thờ và tượng Quý Minh Đại Vương, cỗ kiêu bát cống, lọng đình, cân đối. Các đồ thờ bằng gỗ này đều được sơn son thếp vàng rộng lẫy.
Đồ sứ có 3 đôi lộc bình vẽ phù dung, chim trĩ phủ men hoa, và cảnh tùng-lộc, nhà cửa, bến sông. Có 4 tấm bia (kích thước khác nhau) là những bia hậu đình ghi tên những người cúng tiền, cúng ruộng cho đình; có bia ghi việc lấp sông, ngăn lạch để mở mang sản xuất (1735), 14 đạo sắc phong cho vị thành hoàng làng.
Đình Tả Quan mang kiến trúc cổ, truyền thống, đậm nét văn hóa của làng quê Việt. Ngôi đình được khởi dựng vào cuối triều Lê, đầu nhà Nguyễn (thế kỉ 17).
Ngôi đình được các bậc tiền nhân quê nhà tạo dựng trải qua gần 5 thế kỷ, bao thăng trầm lịch sử và biến cố của thiên nhiên. Đình Tả Quan không những có giá trị về văn hóa mà còn có giá trị của lịch sử dân tộc.
Đã thành thường lệ, cứ vào ngày 10, 11, 12 tháng 11 âm lịch hàng năm, chính quyền và Nhân dân địa phương lại trọng thể tổ chức lễ hội truyền thống hay còn gọi là lễ đại kỳ phước của làng. Mọi người dân cùng hướng về nguồn cội, về với quê hương, hội tụ dưới mái đình làng, cùng dâng nén tâm nhang lên đức thành hoàng, yết cáo những thành tựu qua một năm lao động, dâng lên đức thánh những sản vật quê hương.
Tại quần thể di tích đình Tả Quan, hàng năm cứ đến ngày 12 tháng Giêng âm lịch, chính quyền địa phương tổ chức lễ giỗ của 16 vị hậu thần đã có công khai khẩn đất hoang, lập xóm dựng làng, mở mang làng xã. Theo thần phả và truyền thuyết vùng đất Tá Lan xưa kia là một vùng sú vẹt hoang vu quanh năm thuộc cồn cát cửa biển Nam Triệu.
Năm 1508, cụ Tô Kim Bảng - là người con đầu tiên của làng Tá Lan đỗ đồng tiến sĩ thời vua Lê Uy Mục. Năm 1580, cụ Nguyễn Thuận Chúng - vị tổ đầu tiên của họ Nguyễn Văn và cụ Lê Phúc Hải - cụ tổ của họ Lê Văn, từ quan về quê làm nghề cá ở cửa biển Nam Triệu. Hai cụ gặp nhau tâm đầu ý hợp và thống nhất rời gia đình đến làm ăn và sinh sống tại Tá Lan, cùng các hậu duệ, con cháu của mình qua 4 lần khai phá, quai đê lập ấp, dựng làng đã hình thành được vùng đất Tá Lan như ngày hôm nay. Công lao khai khẩn đất đai của các bậc tiền nhân đã được vua Lê Cảnh Hưng kí sắc phong hậu thần cho 16 cụ và công nhận địa giới hành chính của làng Tá Lan.
Lễ giỗ 16 vị hậu thần được duy trì hàng năm trở thành nét văn hóa truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa bản địa thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, việt kiều người Dương Quan ở nước ngoài trong dịp về thăm quê hương và các du khách thập phương về tham quan và tham dự lễ hội tại quần thể di tích lịch sử quốc gia đình Tả Quan.
Năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận di tích kiến trúc đình Tả Quan là di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp quốc gia.