Sáng 29/7, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tổ chức hội thảo trực tuyến công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu''.
Nhiều ngành chưa thể phục hồi trong năm 2021
Đánh giá tổng quan về kinh tế thế giới năm 2020, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định, bối cảnh biến động toàn cầu vài năm gần đây, và đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và khó dự đoán.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo |
Mức giảm ước tính là 4,3% trong năm 2020; trong đó các nền kinh tế phát triển chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có mức sụt giảm ít hơn; riêng Trung Quốc lại tăng trưởng dương. Đại dịch cũng làm giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, xét trong cả thập kỷ 2020 - 2029. Tương ứng với sự thu hẹp trong sản lượng toàn cầu, việc làm và thu nhập cũng giảm mạnh. Thương mại và đầu tư quốc tế cũng bị ảnh hưởng sâu sắc và suy giảm trầm trọng. Cả thương mại hàng hoá và dịch vụ đều giảm tốc trong năm 2020, tương ứng là -7% và -20%, đặc biệt là ngành du lịch và vận chuyển....
Đề cập tới triển vọng kinh tế Việt Nam 2021, TS Vũ Thanh Hương - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Kinh tế bình luận, bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ sáng hơn trong năm 2021 nhưng không đồng đều giữa các khu vực và vẫn còn nhiều bất định.
Với nền kinh tế Việt Nam, động lực cho tăng trưởng kinh tế được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch) thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và xuất khẩu của những mặt hàng truyền thống vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Trong khi đó, đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào tăng trưởng sẽ không cao như năm 2020, do hạn hẹp về nguồn lực tài khóa.
Bên cạnh đó, sự mở rộng tiền tệ hay hạ lãi suất chủ yếu có vai trò giúp hạ gánh nặng nợ lãi của các khoản vay hiện tại, hơn là thúc đẩy các khoản vay mới để mở rộng sản xuất. Một khi khả năng kiểm soát đại dịch chưa chắc chắn, niềm tin chưa quay trở lại thì đầu tư của các doanh nghiệp sẽ khó tăng mạnh, ngay cả khi lãi suất có thực sự giảm. Nhiều ngành dịch vụ được dự kiến chưa thể hồi phục trong năm 2021.
Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và diễn biến phức tạp của tình hình bệnh dịch hiện nay, VEPR cho rằng, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào kiểm soát dịch bệnh, tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả, phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.
Nếu theo kịch bản thuận lợi là khi dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức từ 5,4 - 6,1%. Tuy nhiên, “cần chủ động ứng phó nếu gặp phải kịch bản bất lợi. Đó là khi dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới qúy IV, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung” - VEPR lưu ý. Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5 - 4%.
Chiến lược định vị nền kinh tế
Đưa ra một số khuyến nghị chính sách quan trọng cho chiến lược định vị lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu, PGS. TS Nguyễn Anh Thu nhận định, trong ngắn hạn, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế Covid-19, tổ chức tiêm vaccine nhanh và hiệu quả.
Do nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Việt Nam trong thời kì đại dịch cần phải đúng trọng tâm, tiết kiệm và đúng địa chỉ. Sớm thiết kế gói chính sách kích thích và phục hồi sản xuất/kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ/bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ/siêu nhỏ. Tất cả các biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập hay chi tiêu hàng xa xỉ nên được xóa bỏ.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Việt Nam trong thời kì đại dịch cần phải đúng trọng tâm, địa chỉ |
Bên cạnh đó, cầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng là một định hướng quan trọng khi Covid-19 vẫn là một ẩn số, tương lai của nền kinh tế vẫn còn bất định.
PGS. TS Nguyễn Anh Thu khẳng định: "Chính sách tiền tệ cần lưu ý đặc biệt đối với việc kiểm soát tăng trưởng cung tiền và định hướng dòng tín dụng vào khu vực sản xuất. Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán và bất động sản nóng như hiện nay, việc kiểm soát dòng tín dụng vào các thị trường này cũng cần được biệt lưu ý bên cạnh vấn đề nợ xấu".
Trong trung và dài hạn, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ thúc đẩy phát triển trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế.
Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Song song với đó, Việt Nam cần tận dụng được thương mại và đầu tư để nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong tương lai.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một yêu cầu thường trực. Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh địa phương của doanh nghiệp thông qua các trụ cột của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). PGS. TS Nguyễn Anh Thu nói: "Mặc dù đầu tư công cần có lựa chọn, song Chính phủ cần nhanh chóng cải thiện hệ thống vận tải nhằm thúc đẩy lưu thông hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế; tận dụng các FTA nhằm cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi hóa cho hoạt động giao thương.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao hiểu biết và đảm bảo khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm, xuất xứ... khẳng định vị thế của mình trên sân chơi thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao trình độ và chất lượng nguồn nhân lực nhằm hưởng lợi và tận dụng được tối ưu chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật từ những doanh nghiệp nước ngoài".
Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh, xu hướng xanh hóa và số hóa được đẩy mạnh mở ra nhiều cơ hội mới, cách làm mới cho hầu hết các ngành. Với 2 ngành điện tử và thực phẩm, có thể nghiên cứu các cơ hội mới và cách làm mới như phát triển phân khúc sản phẩm sạch, organic; cách thức thương mại (sử dụng các sàn thương mại...) đối với sản phẩm.