Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Định vị những chiến lược mới để đất nước phát triển bền vững

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, tại các hội nghị, diễn đàn, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có nhiều phát biểu quan trọng. Cùng với đó, có những định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế

Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; lấy con người là trung tâm, DN là chủ thể; bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với yêu cầu giữ gìn tiến bộ và công bằng xã hội, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tận dụng và phát huy lợi thế của nước đi sau và đang trong thời kỳ "dân số vàng". Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, thúc đẩy chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chú trọng "dịch vụ hóa" các ngành công nghiệp. Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Trong quá trình tiến hành, phải chú ý bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh con người Việt Nam; vai trò xung kích, đi đầu của lực lượng DN, đội ngũ doanh nhân và đội ngũ trí thức, giai cấp công nhân hiện đại… (Trích phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 6 - khóa XIII, ngày 9/10/2022).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tầm quan trọng của “đồng hành cùng doanh nghiệp”

Tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó dự báo, với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ với xu hướng tăng trưởng chậm, lạm phát tăng cao...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Đến nay, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn về năng lượng, lương thực và theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có mức tăng GDP thuộc nhóm cao tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. WB dự báo GDP của Việt Nam tăng 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.

Là một trong những nền kinh tế năng động có độ mở lớn và là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia, đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi gần 60 Hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư và thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với các tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...

Từ thực tiễn cho thấy tầm quan trọng của bài học về “đồng hành cùng DN”, coi DN là chủ thể, trung tâm, chia sẻ, lắng nghe cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong mọi tình huống; đồng thời đẩy mạnh tạo thuận lợi, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việt Nam mong muốn Cộng đồng DN APEC sẽ nêu cao tinh thần hợp tác, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu vực. (Trích phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh DN Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2022, ngày 17/11/2022).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không thể để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách

Nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV không chỉ “đóng khung” lại trong 137 nhiệm vụ tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, vẫn cần chủ động đề xuất thêm các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng ban hành pháp luật. Tiếp tục đổi mới cách thức lấy ý kiến góp ý để người dân và DN góp ý một cách rộng rãi và đa chiều những vấn đề thực sự quan tâm…

Tiếp tục cơ chế là phối hợp từ sớm, từ xa và lắng nghe lẫn nhau, cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe người dân, cộng đồng DN. Với cách làm này thì các dự án luật dù khó mấy cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao.

Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng để xây dựng các cơ chế, chính sách phòng, chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên tạo về thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước mà thiếu đồng hành với người dân và DN. (Trích phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ngày 22/8/2022).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số phải thực sự thúc đẩy tăng trưởng

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Quá trình thực hiện chuyển đổi số phải lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn và hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số, Chính phủ số. Người dân được thụ hưởng thực chất, hiệu quả.

Muốn vậy, mọi chính sách phải hướng tới người dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, người dân, người dân nhận thấy được hưởng thụ từ thành quả này sẽ tham gia tích cực, hiệu quả và thành công.

Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường nhận thức; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, lưu ý vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Năm 2023 phải xây dựng Trung tâm dữ liệu Quốc gia - tài sản quốc gia. Công tác chuyển đổi số phải thực sự thúc đẩy tăng trưởng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Xa hơn là vai trò của chuyển đổi số trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. (Trích phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, ngày 25/12/2022).