Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023:

Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương hiệu xanh trở thành một khái niệm phổ biến khi người tiêu dùng ngày càng có thu nhập cao hơn và quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Từ đây, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, thương mại xanh, tiêu dùng xanh, tăng trưởng và phát triên xanh đã trở thành một xu thế tất yếu.

Thông tin này được các chuyên gia chia sẻ tại Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 với chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” do Bộ Công Thương, phối hợp với trường Đại học RMIT, các đối tác trong nước, quốc tế tổ chức ngày 20/4.

Tốc độ tăng trưởng nhanh

Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.

Theo báo cáo từ Brand Finance, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD). Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28%. sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại diễn đàn
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại diễn đàn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó, nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng. Đồng thời, kết quả cũng chứng tỏ các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu là đầu tư vào giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu, đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Kết quả, trong Top 50 Thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Tại Diễn đàn, bà Nancy Elizabeth Snow, Giáo sư danh dự Đại học bang California, Fullerton đánh giá,Việt Nam hiện nay, số lượng thương hiệu có danh tiếng ngày một nhiều, bao gồm cả thương hiệu nước ngoài và thương hiệu nội địa. Thương hiệu tốt nhất hiện nay không chỉ đưa ra dịch vụ tốt, sản phẩm tốt mà quan trọng là đưa ra lời hứa để khẳng định sự tin tưởng vào thương hiệu.

Cùng ý kiến này, ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương cho biết, sau 15 năm năm nghiên cứu về thương hiệu, Brand Finance nhận thấy xây dựng được một câu chuyện hấp dẫn là chìa khoá để xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia Việt Nam. Cùng đó là lời hứa được đưa ra để tạo sự tin tưởng, uy tín và thân thuộc với thương hiệu.

Để làm được điều này, đầu tiên cần đầu tư ra hệ sinh thái, trong đó, có môi trường kinh doanh là vấn đề quan trọng, bao gồm một số yếu tố như ngoại giao, nền kinh tế, môi trường kinh doanh thuận lợi… Mặt khác, thế mạnh của Việt Nam đến từ sản xuất chế biến, chế tạo, do vậy, cần lấy đây là yếu tố then chốt để xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia. “Top 10 thương hiệu mạnh của Việt Nam hầu hết ở trong nước cần làm thế nào để vươn tầm thế giới và quốc tế hóa. Để làm được điều này cần sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, truyền thông…” – ông Alex Haigh khuyến nghị.

Phát triển sản xuất xanh

Theo các chuyên gia, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định như CPTPP, EVFTA… bởi những hiệp định thương mại này đều có quy định khắt khe về tiêu chí môi trường. Vì vậy, thực hiện tốt sản xuất xanh thì cũng là một cơ hội tốt để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, châu Âu…

Nghi lễ khai mạc tuần lễ thương hiệu quốc gia 2023
Nghi lễ khai mạc tuần lễ thương hiệu quốc gia 2023

Để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam trong thời gian tới, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Lê Hồng khuyến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với hoạt động phát triển thương hiệu; đồng thời doanh nghiệp cần có cách tiếp cận chuyên nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là ở nước ngoài.

Trong khi đó, bà Đặng Thuý Hà – Giám đốc NielsenIQ khu vực miền Bắc lưu ý, cần thực thi marketing hiệu quả bằng việc định vị đúng vị thế của ngành hàng và vị thế của thương hiệu trong ngành hàng đó. Đặc biệt, truyền thông thương hiệu cần được thực hiện đúng, hướng tới cả khách hàng bên ngoài và bên trong, cụ thể là khách hàng yêu thương hiệu, nhân viên yêu thương hiệu.

Ở góc độ doanh nghiệp, Trưởng ban Điều phối Dự án phát triển bền vững Tập đoàn TH Hoàng Thị Thanh Thủy chia sẻ, chiến lược xanh chắc chắn sẽ là một chiến lược dài hơi cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Bởi điều này đòi hỏi các doanh nghiệp có sự cam kết để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, giảm thiểu tiêu cực tới môi trường.

Đối với tập đoàn TH, doanh nghiệp luôn ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến nhất thế giới như: quy trình chăn nuôi, quản trị đàn bò đến từ Israel hay quy trình quản lý nước thải áp dụng các công nghệ của Nhật Bản, Hà Lan, còn phần mềm phối trộn thức ăn được áp dụng từ Italy.

“Doanh nghiệp đã ứng dụng chiến lược xanh dựa trên mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn để tạo mô hình phát triển bền vững xuyên suốt trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm xây dựng một thương hiệu uy tín, có chất lượng đối với người tiêu dùng” – đại diện TH thông tin.