Tình trạng này ngày càng lan rộng khó kiểm soát, khiến cộng đồng tài xế gọi đó là "ác mộng giao thông".
Muôn kiểu độ đènTrung tuần tháng 7 vừa qua, đoạn clip ngắn được dân mạng chia sẻ chóng mặt cảnh tượng một chiếc xe máy đâm trực diện vào ô tô đi ngược chiều. Nguyên nhân do người điều khiển xe máy bị lóa mắt bởi ánh đèn led siêu sáng của ô tô, gây nhiều bức xúc xen lẫn hoảng sợ trước tình trạng lắp đặt đèn siêu sáng tràn lan hiện nay.
|
Việc độ đèn xe quá sáng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. |
Dẫu rằng, việc thay thế hệ thống đèn chiếu sáng để đảm bảo đi lại vào ban đêm, đặc biệt khi qua các khu vực có sương mù là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thay thế, lắp đặt thêm các thiết bị chiếu sáng cho ô tô và đang phổ biến với cả xe máy diễn ra rất khó kiểm soát. Không chỉ lắp thêm đèn trước xe, nhiều người còn thay thế cả đèn hậu. Điều này lại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Khi xuất xưởng, đèn xe có màu vàng, bởi ánh sáng vàng có khả năng truyền đi xa nhất và dễ tác động vào thị giác của con người so với các loại ánh sáng trắng hay đỏ. Do đó, việc thay thế bóng đèn phát ra ánh sáng màu vàng bằng màu trắng, đặc biệt các loại đèn led, xenon có độ sáng cao gấp nhiều lần bình thường… sẽ làm tăng nguy cơ mất ATGT. Theo lý giải của các chuyên gia, việc độ đèn với ánh sáng mạnh sẽ khiến người điều khiển phương tiện phía đối diện mất khả năng phán đoán, ước lượng về kích thước, khoảng cách các phương tiện khác đang lưu thông, dẫn đến dễ xảy ra tai nạn.
Khó xử lýLãnh đạo nhiều Đội CSGT, Phòng CSGT trên địa bàn TP cho biết, Luật Giao thông đường bộ đã quy định rất cụ thể về trường hợp chủ phương tiện sử dụng đèn chiếu sáng vượt ngưỡng cho phép, sai thiết kế của nhà sản xuất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xử lý hành vi này vẫn gặp không ít khó khăn. "Để xử lý được hành vi sử dụng đèn chiếu sáng vượt ngưỡng cho phép, lực lượng chức năng phải chứng minh được hành vi vi phạm. Tuy nhiên, để chứng minh được, phải có thiết bị đo ánh sáng theo quy định, điều mà thường chỉ có ở các trung tâm đăng kiểm" - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một số Đội CSGT trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn xuất phát từ quy định yêu cầu khắc phục vi phạm. Bởi, theo quy định, khi phát hiện hành vi vi phạm, ngoài việc xử phạt, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu chủ phương tiện phải khắc phục vi phạm. Tuy nhiên, các phương tiện chỉ bật đèn khi trời đã tối, do đó, nếu yêu cầu người vi phạm tháo đèn, hay mua đèn khác về thay thế rồi mới được đi là điều không thể.
Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng rất cần thiết xây dựng chế tài xử lý để đảm bảo ATGT cho mọi người. Trước mắt, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để chủ phương tiện ý thức khi lắp đặt, sử dụng các loại đèn pha siêu sáng phải phù hợp với địa hình, hoàn cảnh, hiện trạng giao thông thời điểm đó.
Theo Nghị định 46, người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng nếu điều khiển xe lắp thêm đèn chiếu sáng về phía sau xe. Ngoài việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng và bị tịch thu đèn lắp thêm. |