Nhiều tín hiệu tích cực
Thông tin tại buổi gặp gỡ báo chí trong Hội chợ quốc tế đồ gỗ và nội thất HawaExpo 2024, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) Nguyễn Quốc Khanh cho biết, thị trường gỗ đang phục hồi khi tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện đơn hàng tại nhiều DN đã phục hồi tới 80 - 90%, thậm chí đã có đơn hàng đến tháng 5. Tuy nhiên, những yêu cầu từ khách hàng ngày càng khắt khe hơn về các tiêu chuẩn, mẫu mã phải liên tục thay đổi, giá cả phải cạnh tranh hơn.
Trong khi theo Giám đốc Công ty TNHH nội thất Sơn Oanh Bùi Thị Kim Oanh, so với năm 2023, hiện các đơn hàng cho quý I/2024 của DN đã ổn định hơn. Tuy nhiên, tình hình thế giới vẫn chứa đầy bất ổn khi căng thẳng địa chính trị vẫn chưa kết thúc…
Hiện nay, sự gián đoạn của vận tải đang làm đội chi phí vận chuyển hàng đi châu Âu, Mỹ. Trước thực tế trên, DN tìm mọi cách để tiết giảm chi phí sản xuất. Theo đó, dù khó vẫn phải dành kinh phí nhất định để đầu tư máy móc tại xưởng sản xuất ở Khu công nghiệp Bình Dương nhằm giảm chi phí nhân công, song song đó thực hiện tăng cường hiệu suất lao động, đào tạo nhân công về công nghệ giúp tăng cường khả năng quản trị cũng như hiệu suất đầu ra.
Đối với thị trường trong nước, theo chia sẻ của nhiều DN, người dân vẫn đang giữ thói quen tới cửa hàng để lựa chọn sản phẩm rồi đặt mua. Đây là những sản phẩm có sẵn và mang tính đại trà. Tuy nhiên lựa chọn qua sự tư vấn của đơn vị thiết kế, kiến trúc sư có chiều hướng gia tăng nhằm thể hiện cá tính riêng của từng cá nhân.
Giám đốc Công ty TNHH TKA – Nội thất Tháng 5 Nguyễn Đình Khoa chia sẻ, ngay từ đầu năm DN đã có những đơn hàng thiết kế, cung ứng không gian nội thất cho các căn hộ, cũng như tư vấn xây dựng showroom của nhiều thương hiệu trên địa bàn TP. Để có thể thu hút được khách hàng, bán hàng online là kênh đang phổ biến trở thành lựa chọn thiết thực cho DN khi nhu cầu mua sắm trên mạng đang là xu hướng.
"Chúng tôi cũng đưa vào vận hành 3 showroom ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quảng Nam, tuy nhiên người dân đến tận nơi xem không nhiều. Các đơn hàng chủ yếu qua hình thức online, các sàn thương mại điện tử vì khách hàng lựa chọn trên này thuận tiện và tiết kiệm thời gian" - ông Nguyễn Đình Khoa cho hay.
Nhận diện xu hướng
Theo Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành Building Trần Văn Hòa, xu hướng mua sắm đồ gỗ nội thất của người dân trong nước cũng như xuất khẩu đang thay đổi, hướng đến thẩm mỹ cao vì vậy các DN trong ngành để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cần dịch chuyển mô hình kinh doanh khi vẫn đang chủ yếu là những đơn vị gia công thường khi nhu cầu giảm sút hoặc thiếu đơn hàng, họ buộc phải giảm quy mô, thậm chí đóng cửa, cần trở thành các DN sản xuất thiết kế, nâng tầm thương hiệu cho DN Việt trong nước cũng như quốc tế.
"Hiện nay, nhiều DN cung ứng đồ gỗ nội thất đã chú trọng xây dựng thương hiệu với mẫu mã đáp ứng đa dạng gu thẩm mỹ thế giới. Với xu hướng tiêu dùng của người Việt hiện nay không nghĩ tới giá rẻ mà họ yêu cầu sản phẩm phải phù hợp với phong cách, kiến trúc của ngôi nhà thì thương hiệu có thiết kế độc đáo, cao cấp sẽ rất đắt khách" - KTS Ngô Tâm cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong ngành cũng chia sẻ, bên cạnh đầu tư vào thiết kế, các nhà máy không những phải chuyển đổi mô hình sản xuất mà còn phải tư duy lại mô hình kinh doanh để cải thiện hệ thống quản trị, chủ động minh bạch thông tin; đồng thời phát triển sản phẩm mới có hàm lượng "chất xám" cao, thân thiện với môi trường… để tăng sức cạnh tranh.
Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng cho biết, với Thông tư số 04/2023/TT-BCT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng chính thức có hiệu lực, các DN bắt buộc tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm gỗ công nghiệp với ngưỡng kỹ thuật về độ bền, nồng độ formaldehyde...
Bên cạnh đó, tác động từ xu hướng phát triển bền vững ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) cũng sẽ trở thành yếu tố quyết định trong chiến lược phát triển của DN lẫn quốc gia. Việc chú trọng vào kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm toàn ngành trong và ngoài nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 22,9% so với năm 2022.
Với khối xuất khẩu, hàng loạt quy định mới từ các thị trường nhập khẩu trọng điểm sẽ là một thách thức cho các DN như quy định về hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam, thỏa thuận 301 giữa hai nước về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, nghĩa vụ thẩm định DN trong chuỗi nguồn cung từ thị trường Đức.