Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đô thị hóa nông thôn phải hướng tới nâng cao chất lượng đời sống người dân

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 6/8, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã có cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đại diện một số bộ ngành liên quan. Đại diện TP Hà Nội, có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, cùng lãnh đạo một số sở ngành, địa phương.
Nông thôn mới gắn với định hướng đô thị hóa
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Hà Nội đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ từ TP đến cơ sở. Cùng với hỗ trợ lớn từ T.Ư, TP Hà Nội đã huy động được gần 56.513 tỷ đồng từ năm 2016 đến nay để triển khai thực hiện Chương trình. Trong đó, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước lên tới gần 4.813 tỷ đồng.
Nhờ sự vào cuộc tích cực, chủ động của các thành phần kinh tế, đến nay, TP Hà Nội đã có 6 huyện được T.Ư công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm.
Ngoài ra, 355/382 xã (chiếm 92,9% tổng số xã) cũng đã được TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM và 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Song song với đó, TP lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) xây dựng NTM kiểu mẫu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc
Trong quá trình triển khai, TP Hà Nội cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện đầu tư xây dựng NTM gắn với định hướng đô thị hóa, đặc biệt là tại 5 huyện được phê duyệt đề án phát triển thành quận gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng. Trong quá trình đó, đại diện các địa phương nêu trên đều đồng tình đánh giá, công tác quy hoạch là hết sức quan trọng, cần phải đi trước một bước, làm sao để phát triển đô thị gắn bó hài hòa với NTM.
Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho rằng, thành quả của chương trình xây dựng NTM là tiền đề để huyện thúc đẩy xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, định hướng phát triển đô thị. Và dù là xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, hay phát triển đô thị thì mục tiêu tiên quyết vẫn là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Bởi vậy, huyện Đông Anh cũng như các địa phương đã tập trung rà soát, lồng ghép tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu với các tiêu chí phát triển xã, thị trấn lên phường, huyện thành quận để có kế hoạch triển khai phù hợp.
Cốt yếu là nâng cao đời sống người dân 
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao kết quả xây dựng NTM của Hà Nội. Từ nay đến cuối năm 2020, Thứ trưởng đề nghị TP tiếp tục chỉ đạo hoàn thành mục tiêu về số huyện và xã xây dựng NTM. “Về phía Bộ, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa các địa phương trong việc thẩm định sớm hồ sơ xét trình công nhận Huyện đạt chuẩn NTM” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Hà Nội đã lựa chọn 2 xã (Hồng Vân và Đan Phượng) thực hiện điểm NTM kiểu mẫu để nhân rộng. Tuy nhiên, mong muốn Hà Nội nghiên cứu xây dựng “làng thông minh” trong xây dựng NTM, trước mắt là nghiên cứu áp dụng công nghệ quản trị nông thôn tại hai xã nêu trên.
Trong quá trình xây dựng NTM, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Hà Nội chú ý hai vấn đề: Môi trường và thu nhập của người nông dân. Đây là hai tiêu chí khó, tuy nhiên, TP cần quan tâm, tập trung giải quyết để bảo đảm phát triển nông thôn bền vững, tiến tới thu hẹp khoảng cách sống giữa thành thị và nông thôn.
Đối với vấn đề phát triển nông thôn gắn với đô thị hóa, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, Hà Nội đang làm đúng hướng. Thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội tiếp tục thúc đẩy trên cơ sở rà soát các tiêu chí bảo đảm phù hợp.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, trong năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng, nhưng Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo, nỗ lực để tăng trường ngành nông nghiệp đạt trên 4%. Cùng với đó là hoàn thành mục tiêu xã, huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, Hà Nội luôn xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, có bắt đầu nhưng không có kết thúc. Trong định hướng, Hà Nội phấn đấu NTM nâng cao sẽ trở thành đại trà. Còn đối với NTM kiểu mẫu thì tùy từng địa phương mà có những mô hình khác nhau, nhưng mục tiêu cố lõi vẫn là nâng cao đời sống cho người dân.
Liên quan đến phát triển nông thôn mới gắn với đô thị hóa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, đô thị hóa là xu hướng tất yếu của Hà Nội. Trong quá trình đó, Hà Nội lựa chọn 5 huyện có nền tảng là hoàn thành NTM để thực hiện. Do đó, Hà Nội mong muốn Bộ NN&PTNT ủng hộ 5 huyện trở thành quận từ nay đến năm 2025.
Trong quá trình phát triển đô thị, TP đã chỉ đạo các huyện thành lập ban chỉ đạo để tổ chức triển khai, nhưng vẫn phải giữ Ban Chỉ đạo xây dựng NTM. Thời gian tới, các địa phương cần tập trung rà soát, lồng ghép các tiêu chí, triển khai các đề án thành phần để cụ thể hoá mục tiêu xây dựng xã, thị trấn thành phường, huyện lên quận, giống như cách làm của huyện Đông Anh…
Đối với mục tiêu đô thị hoá nông thôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng, quy hoạch phải đi trước một bước và quy chuẩn là quy chuẩn NTM nâng cao, tiệm cận tiêu chuẩn đô thị. Trong quá trình triển khai, các địa phương cần tập trung thu hút mọi nguồn lực để nâng cấp hạ tầng. Xây dựng đô thị gắn với bảo tồn gìn giữ văn hoá truyền thống, giải quyết việc làm cho người dân.
Trong quá trình xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ về trật tự xây dựng, giữ vững an toàn xã hội; thường xuyên có sơ kết, đánh giá. Lãnh đạo Thành ủy cũng bày tỏ mong muốn Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng Hà Nội tháo gỡ, khó khăn vướng mắc trong quá trình đô thị hoá nông thôn.