Đây cũng là quá trình hình thành các ngành công nghiệp, thương mại và đô thị hóa làm thay đổi cơ cấu kinh tế - xã hội và tác động đến tiến trình văn hóa, đến công cuộc duy tân văn hóa lúc bấy giờ.
Khai thác thuộc địa và đô thị hóa
Từ năm 1896 người Pháp chính thức tiến hành khai thác thuộc địa Việt Nam nhằm bóc lột tài nguyên, sức lao động của bản xứ.
Tuy nhiên, công cuộc này đã đem lại nhiều biến đổi về kinh tế - xã hội. Đến năm 1900, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 7%/năm nhưng quan trọng nhất là cơ cấu kinh tế đã có thay đổi rõ rệt. Về nông nghiệp, nhiều đồn điền hình thành, các công trình thủy lợi được xây dựng, nhất là ở Nam kỳ, Bắc kỳ.
Trong nửa thế kỷ (1880 - 1937), diện tích trồng lúa tăng lên 420% (1880: 522.000 mẫu; 1937: 2,2 triệu mẫu), xuất khẩu thóc tăng 545% (1880: 284.000 tấn; 1937: 1,5 triệu tấn).
Từ một nước nông nghiệp, Việt Nam bắt đầu hình thành các ngành công nghiệp, nhất là khai mỏ, cơ khí vận tải, vật liệu xây dựng và chế biến lâm, nông, hải sản... Các khu công nghiệp khai mỏ hình thành ở Hồng Gai, Đông Triều, Tuyên Quang, Phấn Mễ, Thái Nguyên, Tĩnh Túc... Công nghiệp chế biến có nhiều nhà máy hiện đại bao gồm các ngành chế biến lâm sản, hải sản… Đặc biệt đã xuất hiện các thành phố công nghiệp như dệt Nam Định, cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn cơ khí vận tải Vinh - Bến Thủy... Năm 1906, cả nước đã có khoảng 200 nhà máy của tư sản Pháp. Đáng chú ý là đã có nhiều nhà máy của tư sản Việt Nam, riêng Sài Gòn có 20 nhà máy xay xát. Tư sản Việt Nam đã lập các công ty, tự điều hành và quản lý sản xuất như Quảng Nam hiệp thương công ty, Quảng Hưng Long, Đông Thành Xương, Bạch Thái Bưởi… Sau chiến tranh thế giới thứ nhất các ngành công nghiệp phát triển mạnh hơn, quy mô lớn hơn, công nghệ hiện đại hơn kể cả của tư sản Pháp lẫn tư sản Việt Nam.
Một loạt cơ sở vật chất mới xuất hiện và đưa vào sử dụng phổ biến. Hệ thống giao thông hiện đại gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không được hình thành. Riêng đường sắt, năm 1886 hoàn thành tuyến đầu tiên Sài Gòn - Mỹ Tho, từ 1902 đến 1906 hoàn thành tiếp các đoạn Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai và đến năm 1936 thì hoàn tất đường sắt xuyên Việt. Hệ thống đường bộ được xây dựng để kết nối tất cả các vùng, tỉnh, đến các khu công nghiệp, đồn điền, trong đó có 17 tuyến chính đi khắp Đông Dương. Đường hàng không được xây dựng và đưa vào hoạt động như đường Hà Nội - Huế (1919), Hà Nội - Tây Nguyên. Ở Hà Nội và Sài Gòn còn có xe điện, tàu điện, điện đường, nước máy… Đường dây điện thoại được thiết lập với chiều dài 14.000km.
Dưới tác động của quá trình khai thác thuộc địa, kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng, không chỉ hình thành một nền tảng sản xuất công nghiệp với công nghệ và thiết bị hiện đại mà còn du nhập phương thức kinh tế tư bản. Từ đó đã tác động mạnh vào quá trình đô thị hóa. Từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, các đô thị Việt Nam ra đời và phát triển ngày càng nhiều. Ngoài Hà Nội, Sài Gòn, Huế còn có thêm Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai, Vinh - Bến Thủy, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Biên Hòa… Các đô thị mới được hình thành gắn liền với các ngành công nghiệp và dịch vụ, đã thiên về chức năng kinh tế, dịch vụ thương mại và văn hóa so với chức năng chính trị, hành chính của các đô thị trung đại.
Chủ thể văn hóa mới
Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa là sự thay đổi về cơ cấu xã hội. Giai cấp công nhân hình thành. Đến năm 1906, công nhân Việt Nam có khoảng 55.000 người, trước chiến tranh thế giới thứ nhất tăng lên khoảng 10 vạn người và năm 1929 đã có trên 32 vạn người. Đồng thời, giai cấp tư sản Việt Nam cũng từng bước hình thành và ngày càng đông đảo. Tầng lớp tiểu tư sản ra đời và phát triển. Học sinh, sinh viên, giáo viên ngày một đông hơn. Năm 1913, chỉ riêng học sinh và giáo viên đã có 97.976 người. Đến năm 1930 đã có 430.000 học sinh và 12.014 giáo viên. Các bác sĩ, kỹ sư, luật sư, kiến trúc sư, dược sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo, sinh viên - lớp trí thức Tây học hình thành và ngày càng đông đảo.
Cùng với các đô thị mới ra đời và sự chuyển hóa của đô thị cũ đã hình thành cộng đồng cư dân đô thị mới. Họ là thợ thủ công, người buôn bán, công nhân và công chức, nhà tư sản và tiểu tư sản, trí thức. Cư dân đô thị phát triển khá nhanh, nhất là sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Vào những năm 20 của thế kỷ, cư dân thành thị chiếm khoảng 3,6% dân số, đến những năm 30 đã tăng lên 8 - 10% dân số. Trong thành phần thị dân có một phận khá đông đảo là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ.
Cư dân đô thị Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX còn tồn tại một bộ phận ngoại kiều là người Hoa, người Ấn Độ, đông đảo nhất là người Pháp và có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuyển biến văn hóa.
Quá trình đô thị hóa do quá trình khai thác thuộc địa đã làm cho cấu trúc chủ thể của văn hóa Việt Nam thay đổi. Từ cấu trúc “sĩ, nông, công, cổ” (cổ: người buôn bán) nay đã có thêm công nhân, tư sản, tiểu tư sản, thị dân. Trong đó các thành phần dân cư mới, nhất là trí thức, tư sản, tiểu tư sản đóng vai trò quyết định trong quá trình tiếp biến văn hóa để xây dựng nền văn hóa dân tộc trong điều kiện mới, kết hợp truyền thống với hiện đại, dân tộc với nhân loại trong những năm đầu thế kỷ XX.
Nơi tiên phong duy tân văn hóa
Trước sự chuyển đổi của kinh tế - xã hội, nền văn hóa truyền thống Việt Nam đi vào tình trạng thái khủng hoảng và tất yếu phải thay đổi để thích ứng. Đó là quá trình tiếp biến - đổi mới/duy tân văn hóa. Tuy nhiên, chủ thể của quá trình đó bây giờ đã có thêm nhiều thành phần khác là trí thức, tư sản, tiểu tư sản, thị dân và công nhân. Đặc biệt giới trí thức, nhất là tân học ngày càng đông đảo và chiếm ưu thế trong việc dẫn dắt tư tưởng cho cộng đồng dân tộc. Đây là bộ phận nhạy cảm và năng động nhất trong quá trình hội nhập, duy tân văn hóa đầu thế kỷ XX. Họ nhanh chóng nhận ra những yếu tố mới và tiến bộ trong văn hóa nhân loại để tiếp nhận có chọn lọc vào thực tiễn Việt Nam. Hầu hết các nhà duy tân văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX đều gắn liền với cuộc sống đô thị, kể cả các trí thức cựu học. Đô thị là môi trường quan trọng nhất để họ tiếp xúc với văn hóa mới và thực hiện công cuộc duy tân. Đông Kinh nghĩa thục được thành lập ở Hà Nội sau đó mới lan tỏa ra các địa bàn khác. Nền giáo dục Pháp Việt thuộc địa cũng phát triển trước tiên ở các đô thị để đi đến xóa bỏ nền giáo dục Nho học lạc hậu.
Đặc biệt là nghề in và báo chí, xuất bản, nhất là báo chí quốc ngữ - phương tiện hữu hiệu nhất thúc đẩy công cuộc duy tân đổi mới văn hóa đều bắt đầu ở các đô thị, đầu tiên là ở Sài Gòn, sau phát triển ra Hà Nội rồi đến các đô thị khác như Hải Phòng, Huế, Vinh…Tiếp đó là sự hình thành nền văn học quốc ngữ đưa văn học nước nhà thoát ra khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại và đổi mới theo hình thức của văn học phương Tây, để có thể hội nhập với nền văn học trên thế giới. Thị dân, nhất là tầng lớp trí thức, tư sản, tiểu tư sản, sinh viên học sinh, là lực lượng tiếp nhận những tư tưởng mới, những yếu tố văn hóa, văn minh mới nhanh nhất, nhiều nhất. Họ là lực lượng đông đảo nhất để thực hành đổi mới văn hóa từ sáng tạo học thuật, nghệ thuật đến xây dựng lối sống mới theo hướng văn minh. Từ lực lượng này sẽ lan tỏa sang các bộ phận dân cư khác và sau đó sẽ lan tỏa về nông thôn.
Cần nhấn mạnh vai trò văn hóa trong việc tiếp nhận tư tưởng, cách thức làm ăn tư bản chủ nghĩa vào tư duy kinh tế mới của tư sản Việt Nam. Nếu không có quá trình này thì không thể có các nhà tư sản Việt Nam hồi đầu thế kỷ như Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền, Lê Phát Vĩnh, Trịnh Duy Sản hay An Nam tứ đại phú: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”.
Đô thị hóa là tất yếu và là yếu tố quan trọng cho công cuộc duy tân văn hóa đầu thế kỷ XX của Việt Nam. Cộng đồng thị dân, nhất là giới trí thức, là những chủ thể mới đóng vai trò dẫn dắt cuộc chuyển đổi phát triển đó.