Đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng: Tạo cực phát triển mới cho Thủ đô

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Định hướng quy hoạch phát triển Thủ đô đưa ra ý tưởng lấy sông Hồng là trục bố cục không gian chính của TP, khu vực Bắc sông Hồng được lựa chọn để phát triển thành một trung tâm mới của Thủ đô.

Phía Bắc sông Hồng bao gồm Mê Linh – Đông Anh – Long Biên là khu vực chủ yếu phát triển mới, hình thành các khu đô thị mới đồng bộ hiện đại. Ảnh: Trung Nguyên 
Phía Bắc sông Hồng bao gồm Mê Linh – Đông Anh – Long Biên là khu vực chủ yếu phát triển mới, hình thành các khu đô thị mới đồng bộ hiện đại. Ảnh: Trung Nguyên 

Tuy nhiên trong thời gian qua, khu vực này thực sự chưa được quan tâm đúng mức, Hà Nội đang phát triển lệch về phía Tây và đã bắt đầu nảy sinh những bất cập lớn ở khu vực này.

Xu hướng chung

Trong lần điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô tới đây, việc xem xét nghiên cứu phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” với cấu trúc có sự tích hợp “khu đô thị sân bay” tại khu vực phía Bắc sông Hồng được các chuyên gia quy hoạch đô thị khuyến nghị là cần thiết nhằm tạo ra một cực phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội.

Phát triển mô hình “đô thị sân bay” là xu hướng chung trên thế giới, xuất phát từ nhu cầu thương mại, đô thị, con người của xã hội hiện đại và góp phần làm tăng trưởng giá trị bất động sản. Mô hình phát triển khu đô thị sân bay Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc), Dubai (UAE), Frankfurt (Đức)... là những ví dụ điển hình cho xu hướng này.

Sự thành công của Changi (Singapore) hay Dubai (UAE) cho thấy chiến lược đúng đắn của các quốc gia này nói chung, của các đô thị lớn, cực lớn nói riêng, khi chúng hướng tới cấu trúc đa trung tâm hay tạo ra cực phát triển mới linh hoạt hơn, có sức sống, cạnh tranh cao hơn.

Theo các chuyên gia, cấu trúc “đô thị sân bay” thông thường bao gồm khu vực sân bay, khu trung tâm đô thị đa chức năng liền kề, các đầu mối kết nối giao thông (có thể bao gồm đường cao tốc, đường bộ, metro, đường sắt cao tốc TGV, tuyến xe buýt nhanh BRT, các tuyến kết nối đi bộ, thảm trượt, xe điện giữa các khu vực...) và khu dân cư xung quanh, tạo nên một tổng thể thống nhất hoàn chỉnh. Đây là mô hình đô thị hiện đại, tiên tiến đã và đang phát triển rất thành công tại Amsterdam, Singapore, Paris, London...

Ở Việt Nam hiện cũng đang rộ lên tinh thần của xu hướng này. 3 năm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh bắt đầu nhắc nhiều đến dự định mở ra một đô thị sân bay trong lòng TP với tâm là Tân Sơn Nhất. Định hướng này cũng vừa được UBND TP Hồ Chí Minh xem xét và yêu cầu các đơn vị nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Tại Đà Nẵng, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, TP có thể xây dựng mô hình đô thị sân bay theo hướng quy hoạch lại đô thị bán kính 1 – 2km quanh sân bay. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Đà Nẵng đang triển khai lấy ý kiến quy hoạch đô thị sân bay hiện đại, rộng hơn 1.300ha.

Hoặc như dự án Stella Mega City tại TP Cần Thơ có thể đáp ứng xu hướng phát triển đô thị sân bay trong tương lai. Đô thị được quy hoạch bài bản với các phân khu chức năng nơi ở, thương mại, giải trí, khu liên hợp thể thao, nhà hàng, khách sạn… Đặc biệt, cư dân có thể di chuyển đến sân bay quốc tế Cần Thơ chỉ hơn 3 phút. Hay như đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cũng vừa được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đặt mục tiêu hình thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế.

Mô hình đô thị sân bay đã thực hiện thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới như sân bay Incheon (Hàn Quốc), Changi (Singapore)
Mô hình đô thị sân bay đã thực hiện thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới như sân bay Incheon (Hàn Quốc), Changi (Singapore)

Cơ hội cho Hà Nội

Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg (Quyết định 1259) ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội được phát triển theo mô hình chùm đô thị (1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 đô thị sinh thái...). Đô thị trung tâm là khu vực đô thị lịch sử mở rộng cũng được phát triển theo hướng đa trung tâm.

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, về lý thuyết, phát triển đô thị theo Quyết định 1259 là mô hình tốt. Tuy nhiên, trên thực tế phát triển cũng cần xem lại mô hình này khi nó không thể hoàn thành nhiều mục tiêu lớn như mong đợi. Hà Nội hôm nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp về dân số, cơ sở hạ tầng, giao thông, chất lượng môi trường... đòi hỏi phải có những giải pháp cẩn trọng, toàn diện và thực tế hơn.

TS. KTS Trương Văn Quảng – Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để tạo ra thế và lực, có tính đột phá mới, phù hợp với thực tiễn trong quá trình đô thị hóa, Hà Nội rất cần nghiên cứu phát triển mô hình “thành phố trong thành phố”, có sự điều chỉnh tính chất, chức năng của một số đô thị vệ tinh. Hoặc tích hợp mô hình “thành phố trong thành phố” với mô hình “đô thị sân bay” ở những trường hợp cụ thể, nhằm tạo ra một cực phát triển mới năng động, có sức lan tỏa, thúc đẩy, lôi kéo sự phát triển chung của toàn TP.

Theo TS.KTS Trương Văn Quảng, Hà Nội hoàn toàn có thể xem xét nghiên cứu việc tích hợp mô hình “thành phố trong thành phố” với mô hình “đô thị sân bay” ở phía Bắc sông Hồng tại khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn liền kề với sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là khu vực có vị trí đắc địa, có mối quan hệ thuận tiện với hệ thống hạ tầng khung khu vực, quốc gia, với các hành lang, khu vực phát triển năng động liền kề.

Như gần sân bay quốc tế Nội Bài; nằm trên hang lang kinh tế - đô thị Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng; cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn; Hà Nội – Hải Phòng - cảng biển quốc tế Lạch Huyện gắn với hành lang duyên hải Bắc Bộ; gần các khu vực phát triển năng động như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Đồng thời, khu vực này có đủ quỹ đất, cảnh quan môi trường, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có các dự án lớn mang tính chiến lược và nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển...

“Đây là khu vực còn dư địa, có tiềm năng, triển vọng thu hút các nhà đầu tư lớn quốc gia và quốc tế. Đồng thời có đủ điều kiện tạo ra một không gian đổi mới sáng tạo, một cực phát triển mới, năng động, có sức lan tỏa, thúc đẩy, lôi kéo sự phát triển chung của toàn TP” - TS.KTS Trương Văn Quảng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, KTS Lã Hồng Sơn (Sở QH – KT Hà Nội) cho rằng, mô hình TP trực thuộc Thủ đô trong tương lai hoàn toàn không mâu thuẫn với mô hình chùm đô thị (đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và thị trấn) hiện nay. Do vậy, có thể đề xuất định hướng cho quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới với việc hình thành TP Bắc sông Hồng theo mô hình TP đơn cực đa trung tâm.

Trong đó, cực phát triển với đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị lõi, tận dụng nguồn lực tối đa từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 18; đa trung tâm tại khu vực Bắc sông Hồng gồm Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm. TP này sẽ kết nối với 2 TP lân cận phía Bắc (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) để hình thành “trung tâm của 3 trung tâm” cụm động lực phát triển kinh tế vùng theo định hướng Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô
(Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh).

 

Việc lựa chọn khu vực Bắc sông Hồng để phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” với cấu trúc có sự tích hợp “khu đô thị sân bay Nội Bài” là có cơ sở và thực tiễn. Tương lai, nếu có quy hoạch tốt, có chiến lược, cơ chế chính sách đặc thù, khu vực này sẽ có nhiều điều kiện để phát triển mang tính biểu tượng của sự thịnh vượng tương đương hình ảnh TP Gangnam, Incheon của Hàn Quốc hay Phố Đông – Thượng Hải của Trung Quốc, khu đô thị sân bay Changi của Singapore, Dubai của các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và hơn thế.

Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Trương Văn Quảng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần