Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

"Đoàn tàu Thống Nhất - Kết nối triệu trái tim": giao thoa Nam - Bắc giữa lòng Đà Nẵng

Kinhtedothi - 12h45 trưa 30/4 - Giữa tiếng còi tàu dồn dập và những tràng pháo tay vang lên từ hàng trăm người dân thành phố bên sông Hàn, hai đoàn tàu mang tên “Đoàn tàu Thống Nhất – Kết nối triệu trái tim” - SE1 xuất phát từ Hà Nội và SE4 khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh - đã chính thức hội ngộ tại Ga Đà Nẵng. Cuộc hội ngộ này không chỉ là một sự kiện vận tải, mà là một biểu tượng lịch sử, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, minh chứng sống động cho khát vọng thống nhất, hòa bình và phát triển.

Từ dòng chảy ký ức đến khát vọng tương lai của non sông liền một dải. Ghi tại Ga Đà Nẵng - trưa 30/4/2025

Hai đoàn tàu SE1 và SE4 hội ngộ tại Ga Đà Nẵng, rợp bóng cờ hoa, hàng trăm người dân và cán bộ ngành đường sắt vẫy chào xúc động.

Đà Nẵng – điểm hẹn thiêng liêng của hai miền đất nước

Việc lựa chọn Đà Nẵng là nơi gặp nhau của hai đoàn tàu mang ý nghĩa đặc biệt. Thành phố từng là chiến trường ác liệt, là ranh giới tạm thời giữa hai miền đất nước trong chiến tranh, nay đã trở thành nơi hội tụ của đoàn kết, tái hiện hình ảnh Bắc - Nam sum họp giữa lòng đất nước.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi chọn Đà Nẵng vì nơi đây là trung tâm của miền Trung - không chỉ về địa lý mà còn là điểm giao thoa văn hóa, ý chí và khát vọng dân tộc. Hai đoàn tàu gặp nhau tại đây không chỉ tái hiện lịch sử, mà còn gửi đi thông điệp: Việt Nam là một, dân tộc là một, và hành trình phát triển phải luôn dựa trên tinh thần gắn kết toàn dân.”

Không gian Ga Đà Nẵng được trang hoàng rực rỡ với cờ đỏ sao vàng, băng rôn, hình ảnh lịch sử. Trên các toa tàu, hành khách được trải nghiệm âm nhạc cách mạng, trưng bày hình ảnh tư liệu về ngành đường sắt thời kháng chiến, mô hình đoàn tàu Thống Nhất 1975… như những toa ký ức sống động chở theo lòng biết ơn và tự hào.

Hàng trăm người dân và cán bộ ngành đường sắt vẫy chào xúc động

Những chuyến tàu chở ký ức – chở niềm tin

Hai đoàn tàu đặc biệt mang theo hơn 800 hành khách, trong đó có nhiều cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng và các gia đình chính sách. Mỗi người là một câu chuyện, mỗi chặng đi là một phần lịch sử.

Bà Nguyễn Thị Cúc (72 tuổi, cựu TNXP, quê Đại Lộc – Quảng Nam) nghẹn ngào chia sẻ khi bước xuống sân ga: “50 năm trước, tôi đưa bộ đội vượt đèo Hải Vân trong lặng lẽ và gian nguy. Hôm nay, trên chuyến tàu Thống Nhất, tôi thấy lại cả tuổi trẻ, cả đất nước trong hòa bình. Tôi biết ơn và tự hào vô cùng”.

Chị Nguyễn Thị Hòa, tiếp viên tàu, xúc động nói: “Chuyến tàu hôm nay không giống bất kỳ chuyến nào. Mỗi người đều mang theo một câu chuyện xúc động. Là người phục vụ, tôi cảm nhận rõ trách nhiệm, tự hào và cả sự biết ơn đối với hành khách và dân tộc”.

Anh Phạm Văn Đình, nhân viên kỹ thuật ngành đường sắt chia sẻ: “Ba tôi từng là lái tàu những năm sau ngày thống nhất. Hôm nay, được cùng đoàn tàu hội ngộ tại Đà Nẵng, tôi thấy mình được tiếp nối không chỉ một nghề, mà một lý tưởng”.

Đoàn tàu của lòng dân, của đổi mới và khát vọng

Tại lễ đón tại Ga Đà Nẵng, hai đoàn tàu được chào đón trang trọng với nghi thức tặng quà tri ân, các tiết mục văn nghệ cách mạng, ký tên vào sổ lưu niệm “Kết nối triệu trái tim”. Trên hành trình từ Bắc vào Nam và ngược lại, các ca khúc cách mạng được phát liên tục. Các tiết mục văn nghệ trực tiếp do Đội văn nghệ xung kích ngành đường sắt biểu diễn mang lại không khí thiêng liêng như trong ngày hội non sông.

Ông Huỳnh Văn Chín, Trưởng ga Đà Nẵng, bày tỏ: “Tôi đã gắn bó với ngành gần 30 năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến không khí xúc động như hôm nay. Hai đoàn tàu hội ngộ tại Đà Nẵng không chỉ là dấu ấn lịch sử mà còn là khoảnh khắc đánh thức lòng dân - nhắc nhở thế hệ hôm nay phải tiếp tục xây dựng đất nước bằng niềm tin và trách nhiệm”.

Trong dòng người háo hức đón tàu, em Lê Minh Trí (học sinh THPT Phan Châu Trinh), xúc động: “Cháu từng học về thống nhất đất nước, nhưng giờ mới thật sự cảm nhận được. Nhìn hai đoàn tàu gặp nhau, cháu thấy rõ vì sao mình phải giữ gìn từng tấc đất, từng dòng lịch sử”.

Một hành trình không chỉ bằng đường ray

Tại lễ đón đoàn tàu Thống Nhất tại Ga Đà Nẵng, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, không chỉ chia sẻ niềm xúc động mà còn khơi dậy niềm tự hào truyền thống của ngành và dân tộc: “Chúng tôi muốn lan toả niềm tự hào và đặc biệt là cái khí thế của ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bởi vì trước đây, sau ngày thống nhất, vào khoảng tháng 11/1975, Hội đồng Chính phủ đã ban hành mệnh lệnh đặc biệt số hiệu 358 yêu cầu phải khôi phục ngay tuyến đường sắt Bắc – Nam. Và chỉ hơn một năm sau, đến ngày 4/12/1976, chúng ta đã khôi phục xong tuyến đường sắt này và nối thông tại điểm ray thuộc đất Quảng Bình - km 446+885”.

“Từ đó, chúng ta đã tổ chức 2 đôi tàu Thống Nhất vào ngày 31/12/1976 - một đoàn chạy từ Sài Gòn, một đoàn từ Hà Nội. Phát huy truyền thống ấy, hôm nay tôi muốn lan toả khí thế và tinh thần của ngày đất nước sum họp. Tôi muốn gửi đến thông điệp rằng: chúng ta đang sống trong hoà bình, trong hạnh phúc - thì càng phải trân quý độc lập, tự do mà cha ông đã hy sinh xương máu để giành lấy”.

Cũng tại sự kiện, ông Mạnh khẳng định ngành đường sắt đang từng bước hiện đại hóa, rút ngắn thời gian hành trình Bắc - Nam, nâng cấp hạ tầng, dịch vụ và ứng dụng công nghệ để mỗi chuyến tàu không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là không gian văn hóa, là ký ức sống và niềm tin vào tương lai của dân tộc Việt Nam.

Đoàn tàu Thống Nhất - Kết nối triệu trái tim” không đơn thuần là hai đoàn tàu gặp nhau giữa một sân ga, mà là cuộc hội ngộ của lịch sử với hiện tại, của Bắc - Nam, của máu - lửa và hòa bình. Giữa lòng Đà Nẵng hôm nay - thành phố từng đau thương, nay năng động, khát vọng - tiếng còi tàu ngân lên như một bản tuyên ngôn về sự trường tồn của tinh thần Việt Nam: mạnh mẽ, kiên cường, đoàn kết và vươn xa.

Tự hào trên hành trình “Đoàn tàu Thống Nhất”

Tự hào trên hành trình “Đoàn tàu Thống Nhất”

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Gặp nhân chứng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Gặp nhân chứng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

30 Apr, 04:42 PM

Kinhtedothi - Họ là cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nay đã ở tuổi “bát thập”, nhưng trong ký ức, họ vẫn nhớ như in những tháng năm hào hùng.

Nguồn sức mạnh nội sinh để phát triển bứt phá

Nguồn sức mạnh nội sinh để phát triển bứt phá

30 Apr, 02:43 PM

Kinhtedothi - Từ những lời căn dặn của Bác về đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, khát vọng ấy đã và đang dần hiện thực khi sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục những triển vọng tốt đẹp trong Kỷ nguyên phát triển mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Người Anh hùng bắn rơi 6 máy bay của đế quốc Mỹ

Người Anh hùng bắn rơi 6 máy bay của đế quốc Mỹ

30 Apr, 02:41 PM

Kinhtedothi - Ngày 15/5/1975, ông dẫn đầu biên đội 12 chiếc MiG-21 thuộc Trung đoàn Không quân (TĐKQ) 935, bay diễu binh mừng chiến thắng trên vùng trời Sài Gòn - Gia Định. 50 năm sau, TĐKQ 935 Anh hùng do ông chỉ huy tiếp tục vinh dự được bay diễu binh trên bầu trời TP Hồ Chí Minh vào ngày 30/4/2025.

Vẹn nguyên tinh thần “Hà Nội vì cả nước”

Vẹn nguyên tinh thần “Hà Nội vì cả nước”

30 Apr, 02:37 PM

Kinhtedothi- Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội có vai trò cực kỳ to lớn. Thời kỳ hiện đại, Hà Nội vẫn giữ nguyên được tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, luôn đi đầu trong các phong trào. Đây là chia sẻ của GS.TS.NGND Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ