Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đoạn trường nợ thuế

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bêu tên” không nộp, cưỡng chế tài khoản - tài khoản rỗng, cưỡng chế hóa đơn - DN “thoát xác” thành công ty khác…, đó là những khó khăn mà cơ quan thuế gặp phải trong quá trình thu đòi nợ thuế.

Bài 1: Vì đâu nên nỗi?

Bài 2: Gian nan “cuộc chiến” thu nợ

Khi nợ thuế “ra sáng”

Mấy năm trở lại đây, cơ quan thuế đã thực hiện công khai các DN nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều DN khi bị công khai danh tính nợ thuế, sợ mất uy tín, sợ ảnh hưởng đến việc bán hàng đã phải “vắt chân lên cổ” tìm nguồn trả nợ. Đây là giải pháp hiệu quả để việc thu nợ tốt hơn.

Tháng 4/2016, dữ liệu của cơ quan thuế ghi nhận dự án PVV - Vinapharm Tower (số 60B Nguyễn Huy Tưởng) vẫn đang nợ thuế hơn 40 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Tình hình tài chính của Vinaconex-PVC gặp một số khó khăn là nguyên nhân khiến DN này nợ thuế. Tuy nhiên, sau khi được cơ quan thuế đôn đốc, Công ty đã tăng cường tìm kiếm nguồn tiền, đẩy mạnh kênh bán hàng và xoay xở được tiền để trả nợ thuế.
Dự án PVV - Vinapharm Tower (số 60B Nguyễn Huy Tưởng) nợ thuế hơn 40 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Ảnh: Thanh Hải
Dự án PVV - Vinapharm Tower (số 60B Nguyễn Huy Tưởng) nợ thuế hơn 40 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Ảnh: Thanh Hải
Theo đại diện cơ quan thuế Hà Nội, công khai danh sách DN nợ thuế không chỉ có tác động trực tiếp với đơn vị nợ thuế, mà còn là cảnh báo với các đơn vị nợ khác. Với nhóm DN có ý thức trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng thực sự khó khăn, giải pháp mà cơ quan thuế ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Thiết thực nhất là kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định trong các quy trình phù hợp với Luật và thực tiễn. “Việc thu nợ phải gắn với lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, tạo sự đồng thuận” - đại diện Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế Hà Nội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, với những DN chây ỳ, cơ quan thuế áp dụng các giải pháp quyết liệt để thu nợ. Đây là việc làm cần thiết, bảo đảm sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục Thuế Hà Nội đã đăng công khai 6 đợt với 807 DN, dự án nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất tương ứng số tiền 1.713.045 triệu đồng. Kết quả sau công khai đã có 381/807 đơn vị nộp 201.370 triệu đồng nợ thuế vào ngân sách.

Đủ chiêu đối phó

Đại diện nhiều chi cục thuế trên địa bàn Hà Nội cho biết, có những DN, cơ quan thuế gửi thư mời năm lần bảy lượt vẫn không chịu đến trụ sở thuế để làm việc, giải trình. Cán bộ thuế trực tiếp xuống DN thì họ tìm cách lẩn trốn, đi vắng. Với các đối tượng này, thu nợ là một “cuộc chiến” vất vả với cơ quan thuế.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí, các biện pháp mạnh như cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn đã được cơ quan thuế thực hiện với những DN loại này. Tuy nhiên, việc cưỡng chế thu thuế bằng trích từ tài khoản của DN tại ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Bởi DN có nhiều tài khoản, nhưng tài khoản cung cấp cho cơ quan thuế lại có số dư rất ít, không thể cưỡng chế thu từ đó. Trước thực trạng này, sắp tới, Tổng cục có thể cân nhắc yêu cầu DN phải cung cấp tất cả các loại tài khoản, hoặc phải cung cấp tài khoản còn số dư đủ lớn để đảm bảo thực thi nghĩa vụ thuế.

Ngoài ra, chiêu thức thành lập DN để buôn bán hóa đơn, trốn thuế, làm ăn bất hợp pháp cũng được nhiều cá nhân, DN sử dụng.

 Mới đây nhất, ngày 2/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng về các hành vi “Trốn thuế”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Mua bán trái phép hóa đơn”. Các đối tượng gồm: Trần Văn Toàn (trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) - Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Toàn Hiền; Phạm Văn Hưng - kế toán Công ty; Phạm Hồng Lâm - Giám đốc Công ty CP Xây dựng và vận tải Sơn Lâm (huyện Đông Anh); Nguyễn Tuấn Huy, Chu Văn Dũng, Đặng Văn Quyền, Đỗ Văn Tuyền, cùng trú tại huyện Đông Anh. Cụ thể, với hành vi “Trốn thuế”, Toàn và đồng bọn thông qua hoạt động của nhiều công ty khai khống chi phí lương của lao động để trốn thuế, đồng thời hợp thức hóa đơn đầu vào cho các hoạt động kinh doanh trái phép trị giá nhiều chục tỷ đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn thành lập hơn 10 công ty để buôn bán hóa đơn trái phép.

Theo đại diện cơ quan thuế Hà Nội, các đối tượng này thành lập xong thì giải thể ngay, rất khó phát hiện. Trong 6 tháng đầu năm, Cục Thuế TP đã chuyển cơ quan công an đề nghị xác minh 111 vụ liên quan đến gần 4.000 hóa đơn. Điều tra xác minh sai phạm thuế, DN bỏ địa chỉ kinh doanh, nợ thuế là 101 vụ. Chuyển hồ sơ để phối hợp giải quyết đối với 80 DN sử dụng 632 số hóa đơn bất hợp pháp với giá trị hàng hóa 106 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 10 tỷ đồng.
Đại diện Cục Thuế Hà Tĩnh  cho biết: Tài khoản của DN được mở tại rất nhiều ngân hàng khác nhau, thậm chí là mở ở nhiều tỉnh khác nhau. Vì vậy, nhiều khi cơ quan thuế chỉ cưỡng chế được những tài khoản rỗng. Chúng tôi đề xuất ngân hàng có thể phối hợp thông báo cho cơ quan thuế nếu DN đó mở tài khoản mới để dễ kiểm soát trong việc DN bị cưỡng chế tài khoản này nhưng lại mở thêm tài khoản khác.
Ngày 10/6, Cục Thuế Hà Nội đã có công văn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội xác minh điều tra, làm rõ hành vi và xử lý theo thẩm quyền đối với 2 DN có số nợ thuế lớn nhưng đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế, có chủ DN bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng đồng thời là chủ DN khác đang hoạt động trên địa bàn TP.
            (Còn nữa)