Đi thi để báo hiếu với mẹ
Đoàn Tử Quang, hiệu Uẩn Trai, sinh năm 1818 ở quê làng Thượng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay thuộc xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi cha từ nhỏ, ông lớn lên dưới sự nuôi dưỡng và dạy bảo của mẹ, người đã thủ tiết thờ chồng từ năm 17 tuổi, được triều đình ban biển Tiết hạnh khả phong.
nhỏ, ông được mẹ dạy bảo và khích theo đòi cử nghiệp để lập công danh và giúp đời. Dù học giỏi nhưng đường khoa cử của Đoàn Tử Quang gặp nhiều trắc trở, lận đận. Năm 49 tuổi, ông mới đỗ Tú tài và đến năm 66 tuổi ông cũng chỉ đỗ Tú tài lần thứ hai.
Những tưởng đường khoa cử của ông sẽ dừng lại ở “tú kép”. Nhưng rồi ông lại bất đắc dĩ dự kỳ thi hương ở trường Nghệ năm Thành Thái 12, Canh Tý (1900) và đỗ cử nhân khi đã 82 tuổi. Vốn ban đầu ông không định dự thi vì tuổi đã quá cao, nhưng do khoa thi ấy cả làng ông không có ai ứng thí nên các vị chức sắc trong làng đã động viên ông cố gắng tham dự vì danh giá của làng.
Năm ấy, hai con trai của ông đều học giỏi, có thể đi thi nhưng không thể vì khi đó đang chịu tang mẹ (tức vợ của Đoàn Tử Quang) vừa mới mất mà theo quy định của triều đình thì sau ba năm đoạn tang mới được ứng thí. Mặc dù chức sắc của làng đã động viên nhưng ông vẫn không muốn đi thi nữa. Họ đành phải đến động viên mẹ của ông là cụ bà Lê Thị Nậm lúc này đã 98 tuổi khuyên con đi thi. Vốn là người hiếu nghĩa, ông nghe theo lời mẹ, lều chõng đến trường thi.
Chánh chủ khảo kỳ thi hương trường Nghệ năm ấy là Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh cùng các quan trường đã rất cảm phục khi thấy một ông già ngoại bát tuần vẫn bền chí học hành, lều chõng đi thi. Qua bốn kỳ (vòng) thi, điểm bài của ông đạt hai ưu, một thứ, một bình, chỉ xếp sau Phan Bội Châu. Do phạm một lỗi nhỏ trong quy chế trường thi ngặt nghèo lúc bấy giờ, ông bị đánh hỏng. Nhưng xét thấy bài thi xuất sắc và một phần cảm phục chí học hành bền bỉ hiếm có của ông, Khiếu Năng Tĩnh và các quan trường đã tấu xin triều đình ban cho ông đỗ. Nhờ đó ông được lấy đỗ song phải xếp thứ 29/30 người trúng tuyển của khoa thi.
Chứng kiến toàn bộ sự kiện ứng thí và đỗ đạt của lão thí sinh đặc biệt kỳ lạ Đoàn Tử Quang, Chánh Chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh đã viết bài ký Nghệ trường giai sự (in trong sách Khoa Canh Tý) mô tả tỉ mỉ quá trình đi thi của ông. Trong sách có đoạn:
“Ông lão vào tôi rời khỏi ghế, cầm tay ông lão cùng đi mà rằng "Đẹp làm sao! Thọ làm sao!". Chí khí cao mà kiên định vậy! "Xin hỏi mắt cụ có bị mờ không"? Ông lão trả lời "có bị mờ". Tôi lại hỏi: "Chân gối cụ có bị mỏi không?". Ông lão đáp: "Còn có thể đi bộ, chạy, lễ, bái, đưa, đón được".
"Ông lão mang ống quyển vào, xét số, hạ lều, xong ngồi ngay ngắn ở giữa chiếu của mình. Trời về chiều khi đã vài ba chục thí sinh nộp bài thì ông lão vai mang ống quyển, tay kéo xe lều chõng lọc cọc, cùng các thí sinh kẻ trước người sau ra về...
"Vào phúc hạch, viên đề tuyển đưa danh sách thông báo ra ngoài. Tên ông lão có trong số đó. Đến khi đưa quyển vào phúc duyệt, không đề bài nào có chữ đậm nhạt không đúng kiểu hoặc bị nghiêng đổ. Sau khi khớp phách nên biết quyển bài của ông lão về tài năng, ưu; thơ phú, ưu; văn sách, thứ; phúc hạch, trung bình...".
Trong bữa tiệc đãi các tân cử nhân, khi trả lời các quan, ông nói: “Sở dĩ tôi có được ngày hôm nay là nhờ công dạy dỗ , khuyên bảo của mẹ già”. Suốt bữa tiệc, ông chỉ ngồi trầm ngâm, không động đến các món sơn hào hải vị. Cuối tiệc, ông gói lộc vua ban vào tay áo đưa về tạ ơn mẹ già rồi mới cùng con cháu thụ hưởng.
“Giỏi lắm Hương Sơn Đoàn Tú tài”
Đó là một câu trong bài thơ của Tổng đốc Nghệ An - Tiến sĩ Đào Tấn cảm tác khi tiễn Đoàn Tử Quang thi đỗ cử nhân về quê. Bài thơ viết:
Giỏi lắm Hương Sơn Đoàn Tú tài
Tuổi hoa nay đã tám mươi hai
Trường văn múa bút râu như giáo
Quế đỏ hương thơm đoạt cành tươi.
Quế đỏ hương thơm đoạt cành tươi
Thong dong chống gậy quá Nam cai
Mẹ hiền tuổi hạc chín mươi tám
Mừng con đắc ý đã về đây.
(Bản dịch từ nguyên tác chữ Hán)
Phan Bội Châu - Giải nguyên khoa thi năm đó đã có một bài ca và một đôi câu đối tặng Đoàn Tử Quang: Xảo tá thiên công, quyệt tá thiên công, trực tương tân khổ thí tài hoa, cơ cơ phụ bát thập niên thư kiếm trái/ Kỳ đích nhân vật, khoái đích nhân vật, nghĩ bả văn chương hoàn tạo hóa, hảo hảo khan thiên vạn lý phong vân trình.
Bản dịch (được cho là của Hồng Liên Lê Xuân Giáo): Xảo thật trời kia, quyệt thật trời kia, hằng đem nỗi cay đắng thử thách tài hoa, đã toan phụ tám mươi năm nợ nần thư kiếm/ Lạ thay người ấy, sướng thay người ấy, muốn ôm mớ văn chương trả về tạo hóa, mà lại xem muôn ngàn dặm đường cái phong vân.
Học giả Hoàng Xuân Hãn, trên báo Thanh Nghị, số 8, năm 1944, cũng đã trân trọng ngợi ca về chí học hành và sự hiếu thảo của Đoàn Tử Quang:
“Thấy tuổi già tưởng văn non mà thương, hóa ra những món tưởng non lại thành cứng; thấy già tưởng chữ viết lòe nhòe, xiên xẹo mà chính ra lại cứng cáp, tốt tươi. Tưởng bênh cho may đậu tú tài lại tự mình sắp đỗ Giải nguyên.
Tưởng tám mươi hai tuổi là già lắm, mà còn mẹ chín mươi tám tuổi. Chín mươi tám tuổi mà góa chồng từ thuở mười bảy. Tưởng lòa, lảng, yếu mà sáng, tỏ mạnh. Tưởng lấy phần cho cháu chắt mà chính lấy cho mẹ già. Tưởng vì công danh mà đeo đuổi khoa trường mà chính ra vì muốn vui lòng mẹ”.
Triều Nguyễn quy định, các quan tới tuổi 65 phải nghỉ hưu. Nhưng để tưởng thưởng và khuyến khích ý chí, nghị lực học hành, tấm gương hiếu thảo của ông, triều đình vẫn đặc cách bổ dụng ông làm quan. Từ năm 1901 đến năm 1903, ông được cử làm Huấn đạo huyện Hương Sơn, rồi Huấn đạo huyện Can Lộc. Năm 85 tuổi, ông xin về hưu để phụng dưỡng mẹ già lúc ấy đã trên 100 tuổi. Năm 1924, khi 106 tuổi, Đoàn Tử Quang được triều đình phong tặng hàm Hàn Lâm viện thị độc. Ông mất năm 1928, thọ 111 tuổi.
Đoàn Tử Quang là người đỗ cử nhân cao tuổi nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam; là người sống qua suốt 13 đời vua nhà Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử nước nhà. Ông là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực học hành, thi cử và đạo hiếu nghĩa với cha mẹ. Cuộc đời của ông chứng minh việc học không bao giờ là muộn và ai cũng có thể thành công nếu có ý chí và quyết tâm.