Rào chắn cứng hai bên
Từ ngày 17/12, đơn vị thi công đã bắt đầu rào chắn cứng hai bên mép đường trục Tố Hữu - Lê Văn Lương, đoạn từ Hoàng Minh Giám - Vũ Hữu. Trước đó, dải phân cách giữa đoạn tuyến này đã được thu hẹp để mở rộng làn đường dành riêng cho xe buýt BRT. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, khu vực cắt xén dải phân cách sẽ phục vụ đào ngầm, di chuyển các lộ cáp điện lực; thời gian thi công giai đoạn rào chắn di động kéo dài 30 ngày. Vừa qua, nhà thầu đã bắt đầu chuyển sang rào chắn cứng bằng tôn, đoạn tuyến Hoàng Minh Giám - Vũ Hữu, mỗi bên dài 630m, từ mép bó vỉa cứng kéo rộng ra 3m.Để đảm bảo lưu thông, làn đường dành riêng cho xe buýt BRT tại đoạn tuyến nêu trên đã được mở cho sử dụng hỗn hợp, các loại phương tiện khác có thể đi vào. Sáng ngày 20/12, tại nút giao Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương và đường Tố Hữu đã cắm biển: “Hết làn dành riêng cho BRT”, hướng dẫn để các phương tiện có thể lưu thông chung vào làn đường xe buýt BRT; các camera giám sát giao thông cũng đã được tháo xuống trong quá trình xén dải phân cách và đảo giao thông trong nút Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương.Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu nhà thầu thi công phải bố trí đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATGT như biển báo hướng dẫn giao thông từ xa hoặc tại chỗ; đèn quay, chiếu sáng; người hướng dẫn giao thông tại khu vực thi công. Giám sát, đôn đốc nhà thầu thi công thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATGT đoạn tuyến được tiếp nhận bàn giao để thi công dự án. Kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, nếu chủ đầu tư và đơn vị thi công không thực hiện việc tổ chức giao thông, gây mất an toàn giao thông sẽ bị đình chỉ thi công. Dự kiến, đoạn tuyến bị rào chắn phục vụ thi công kéo dài từ nay tới tháng 6/2021.Người dân bất ngờGhi nhận tại đoạn tuyến Hoàng Minh Giám - Vũ Hữu trong những ngày qua cho thấy, hầu hết người tham gia giao thông chưa nắm được phương án tổ chức giao thông mới. Nhiều xe ô tô, xe máy vẫn không dám đi vào làn đường riêng của xe buýt BRT, phải chen chúc trên phần đường còn lại, bên cạnh rào chắn cứng, dẫn đến ùn tắc kéo dài trong nhiều thời điểm.Anh Nguyễn Văn Tuấn (Hà Đông) cho biết: “Thiếu biển báo, chỉ dẫn, nhà thầu thi công lại không có người hướng dẫn giao thông, CSGT vẫn túc trực tại khu vực nút Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương nên tôi không dám đi vào làn BRT, sợ bị phạt. Mà đi trên nửa đường còn lại thì tắc đường quá lâu”. Nhiều người dân cũng tỏ ra bức xúc khi nhà thầu rào chắn cứng hai bên mép đường trước rồi mới đặt biển hướng dẫn giao thông sau; làn đường BRT được mở ra cho sử dụng hỗn hợp cũng chưa được sơn kẻ vạch, tổ chức rõ ràng, làm khó các phương tiện.Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết đã chấn chỉnh, yêu cầu nhà thầu bổ sung ngay các biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông còn thiếu. Người dân có thể điều khiển phương tiện lưu thông trên làn đường dành cho xe buýt BRT mà không bị xử phạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do ảnh hưởng bởi rào chắn cứng, dù đã mở làn xe buýt BRT cho sử dụng hỗn hợp, việc lưu thông trên trục Tố Hữu - Lê Văn Lương, đặc biệt là đoạn tuyến Hoàng Minh Giám - Vũ Hữu sẽ gặp những khó khăn nhất định. “Người dân cần nâng cao ý thức, chấp hành hướng dẫn, chỉ báo giao thông, không lấn làn, vượt ẩu để tránh gây thêm ùn tắc giao thông” - vị này cho biết.
Tháng 10 vừa qua, dự án hầm chui trực thông trên đường Lê Văn Lương, đoạn nút giao Khuất Duy Tiến đã được khởi công. Để di dời 19 lộ cáp điện, sẽ phải rào chắn hai bên mép đường, hạ ngầm cáp mới, sau đó mới dỡ bỏ cáp cũ, GPMB phục vụ thi công hầm chui. |