Khu công nghiệp Cầu Cảng Phước Đông:
Doanh nghiệp bị làm khó vì quy định bất hợp lý của đơn vị quản lý
Kinhtedothi - Công ty TNHH Sản xuất phân bón CPF Potash đầu tư gần 200 tỷ đồng vào nhà máy tại Khu công nghiệp Cầu Cảng Phước Đông. Tuy nhiên hiện tại, việc sản xuất của Công ty bị đình trệ do các quy định bất hợp lý từ phía đơn vị quản lý Khu công nghiệp là Công ty IMG Phước Đông (IPD).

Biển cấm trọng tải tại Khu công nghiệp do Công ty IPD tự ý gắn.
Những quy định có dấu hiệu “làm khó doanh nghiệp”
Phản ánh với phóng viên, đại diện Công ty TNHH Sản xuất phân bón CPF Potash (Công ty CPF), có địa chỉ Khu công nghiệp (KCN) Cầu Cảng Phước Đông, ấp 5, xã Tân Lân, tỉnh Tây Ninh cho biết, hoạt động sản xuất của Công ty đang bị đình trệ bởi các quy định bất hợp lý từ đơn vị quản lý KCN - Công ty IPD.
Cụ thể, Công ty IPD kiểm soát phương tiện ra vào KCN không đúng quy định pháp luật, tự ý gắn biển báo giao thông cấm tải trọng khi chưa được cơ quan Nhà nước phê duyệt; ngừng cung cấp dịch vụ đối với nhà đầu tư thứ cấp không có lý do chính đáng, đặc biệt là việc ngừng cung cấp nước gây nguy cơ ảnh hưởng an toàn PCCC; yêu cầu tháo dỡ, di dời các công trình để thu hồi đất và hoàn trả mặt bằng chưa đúng các quy định của pháp luật.
Theo đó, Công ty IPD đã tự ban hành quy định giờ ra vào của xe chở hàng trong KCN, ngăn cản không cho xe của Công ty CPF ra vào đúng giờ nhận hàng. Để phương tiện hoạt động ở KCN, Công ty CPF đã cung cấp thông tin, đăng ký và làm thư bảo lãnh cho các tài xế vào KCN xuất/nhập hàng hoá. Tuy nhiên, Công ty IPD vẫn không cho các xe vào tại thời điểm đăng ký mà yêu cầu đợi đến hết giờ làm việc, cụ thể là 16 giờ chiều mới được ra vào.
Công ty IPD còn ban hành quy định kiểm soát phương tiện ra vào KCN Cầu cảng Phước Đông với nội dung "… cấm các phương tiện vận chuyển hàng hóa có khối lượng hàng chuyên chở vượt quá 25 tấn, không bao gồm bản thân phương tiện…".
Tại Thông báo nội dung cuộc họp giữa Công ty CPF và đơn vị quản lý KCN ngày 25/6/2025 cho rằng các phương tiện tải trọng lớn hơn 30 tấn sẽ phá hỏng các tuyến đường nội KCN, nên đã cấm xe có tải trọng lớn hơn 30 tấn; phải đăng ký danh sách xe và tải trọng trước 24 giờ nhằm bảo đảm ANTT và an toàn trong KCN…. Phía Công ty CPF cho rằng, các quy định trên do đơn vị quản lý KCN tự ý ban hành chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Đại diện Công ty CPF cho biết: “Chúng tôi đã có nhiều biên bản ghi nhận sự việc bởi Công an xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An (cũ) về việc đơn vị quản lý KCN không cho phương tiện của chúng tôi được ra vào xuất/nhập hàng. Ngoài ra, đơn vị quản lý KCN tự ý gỡ và dán biển cấm và giới hạn tải trọng của đường bộ, trong khi căn cứ theo quy định pháp luật chỉ có UBND cấp tỉnh và Sở GTVT (cũ) nay là Sở Xây dựng có quyền ban hành các biển báo này”.
Nguy cơ mất an toàn PCCC khi nguồn nước bị cắt
Được biết, Công ty CPF đang đầu tư hoạt động tại KCN Cầu Cảng Phước Đông với chi phí khá lớn, khoảng gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Công ty CPF, đến nay ngoài lô đất D6.3 Công ty đã xây dựng, các lô đất còn lại còn chưa san lấp mặt bằng, không có đường nội bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt, không có bờ kè (tất cả những điều này đã được quy định trong hợp đồng và phụ lục).
Công ty CPF đã yêu cầu Công ty IPD hoàn tất các đường nội bộ, bờ kè theo quy hoạch phê duyệt của Nhà nước để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do những mâu thuẫn giữa 2 bên, phía Công ty IPD đã đơn phương ngừng cung cấp dịch vụ tiện ích cho Công ty CPF, trong đó có nguồn nước.
Đại diện Công ty CPF khẳng định: “Vì Công ty IPD chưa đáp ứng đủ điều kiện bàn giao các lô đất D6.2, lô D5.3, lô D5.1 nên chúng tôi chưa phát sinh nghĩa vụ phải thanh toán cho họ. Do đó, Công ty IPD không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và thông báo ngừng cung cấp dịch vụ cho chúng tôi. Trong khi chúng tôi đã thanh toán tiền tiện ích cho 2 lô đất D6.3 và D6.2 đến hết tháng 12/2025”.
Trước đó, ngày 20/6/2025, trong cuộc họp giữa Công ty CPF, Công ty IPD, BQL Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh (Long An cũ) và các cơ quan ban ngành tỉnh Tây Ninh (Long An cũ), BQL Khu kinh tế UBND tỉnh Long An (cũ) đã kết luận: BQL không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng giữa các bên. BQL đề nghị 2 bên hòa giải trên tinh thần thiện chí, hài hòa giữa các bên. Trường hợp không thể thương lượng thì thực hiện theo phán quyết của cơ quan có thẩm quyền. Trong thời gian chờ đợi, đề nghị 2 doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định pháp luật, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc họp kết thúc, phía Công ty IPD đã ngừng cung cấp dịch vụ tiện ích tại nhà máy của Công ty CPF, trong đó có nguồn nước gây nguy cơ ảnh hưởng an toàn PCCC rất cao.
Theo Công ty CPF phía Công ty IPD còn yêu cầu họ phải tháo dỡ các công trình trên các khu đất, thu hồi đất và yêu cầu hoàn trả mặt bằng do mẫu thuẫn thanh toán tiền thuê.
Được biết, Công ty CPF đang sở hữu các tài sản gồm các hạng mục công trình, thiết bị và máy móc trên các lô D6.3, Lô D6.2. Dù chưa có bất kỳ quyết định nào từ cơ quan có thẩm quyền nhưng Công ty IPD đã gửi Công văn số 190/2025/CV-IPD ngày 16/6/2025, Thông báo số 200/2025/CV-IPD ngày 20/6/2025 thông báo ngày 25/6/2025 sẽ tổ chức người và phương tiện đến nhà máy của Công ty CPF để cưỡng chế, tháo dỡ các hạng mục công trình, thiết bị, máy móc đang vận hành tại lô D6.2.
Ngày 25/6/2025, Công ty IPD tiếp tục gửi Thông báo về nội dung cuộc họp ngày 25/6/2025 cho biết nếu Công ty CPF "tiếp tục chây ỳ, không hoàn thành việc tháo dỡ và di dời các hạng mục… thì sẽ ngừng toàn bộ dịch vụ hạ tầng nội khu, bao gồm các phương tiện giao thông của Công ty CPF đi lại trong KCN". Ngày 1/7/2025, Công ty IPD gửi Thông báo số 218/2025/CV-IPD cho biết từ ngày 15/7/2025 sẽ ngưng cung cấp các dịch vụ, tiện ích với Công ty CPF, các phương tiện di chuyển của Công ty CPF không được di chuyển trên đường sá thuộc KCN để ra vào. Sau ngày 31/7/2025, nếu Công ty CPF chưa trả mặt bằng thì sẽ tiến hành cưỡng chế. Mọi chi phí, thiệt hại Công ty CPF phải chi trả.
Đại diện Công ty CPF cho rằng: “Hành vi của Công ty IPD là trái pháp luật, trực tiếp xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu tài sản của công ty chúng tôi, gây gián đoạn sản xuất, thiệt hại vật chất nặng nề và đặc biệt là đe dọa đến sức khỏe của cán bộ, nhân viên, người lao động đang làm việc tại nhà máy khi cắt nguồn nước”.
Trước đó, Công ty IPD đã khởi kiện Công ty CPF ra TAND huyện Cần Đước, tỉnh Long An (cũ) về “Tranh chấp hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất” giữa 2 bên. Vụ việc đã được tòa án thụ lý, thông báo đưa ra xét xử trong thời gian tới đây.
Trước sự việc trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Tây Ninh cần có sự vào cuộc đồng bộ để xem xét, làm rõ các vấn đề có liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư trong sach, an toàn và uy tín.
Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về sự việc sau khi làm việc với các cơ quan liên quan.

Hôm nay, xét xử giang hồ đất Cảng Bùi Đức Bình
Kinhtedothi - Hôm nay (13/6), TAND thành phố Hải Phòng dự kiến mở phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Đức Bình (50 tuổi, biệt danh Bình "đen") về tội Giết người và Hủy hoại tài sản, liên quan đến vụ nổ súng tại bến xe Vĩnh Niệm, quận Lê Chân.

Bộ Xây dựng yêu cầu khắc phục tồn tại của Nhà ga T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
Kinhtedothi - Nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa xảy ra một số khiếm khuyết phát sinh trong quá trình khai thác gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến trải nghiệm của hành khách và tạo dư luận xã hội. Bộ Xây dựng đã yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại này.

Nâng cao hiệu quả khai thác, phát triển dịch vụ logistics cảng Cái Cui
Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành liên quan cung cấp thêm các thông tin về pháp lý, hiện trạng, định hướng quy hoạch cho các doanh nghiệp khai thác cảng Cái Cui; Sở Xây dựng khẩn trương tổng hợp tham mưu báo cáo Bộ Xây dựng và Phó Thủ tướng Chính phủ.