Doanh nghiệp chưa mặn mà đưa hàng về nông thôn: Vẫn thiếu cơ chế hỗ trợ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ đầu năm đến nay, ngành công thương đã tổ chức gần 50 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 1000 doanh nghiệp (DN) tham gia.

Tại các tỉnh biên giới gần với các nước làng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc hàng Việt không chỉ thu hút người tiêu dùng trong nước mà còn chiếm được cảm tình của người tiêu dùng nước bạn.
 
Doanh nghiệp không mặn mà

Mặc dù đã tổ chức được nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều lúng túng do thiếu cơ chế khuyến khích DN. Cùng với đó, kế hoạch triển khai không đồng bộ nên khó thu hút DN tham gia.
 
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chương trình hành động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/8, ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc than phiền: Mặc dù ngành công thương là đơn vị chủ lực trong hoạt động này, nhưng thời gian qua, đơn vị hầu như không được Ban chỉ đạo TƯ và tỉnh quan tâm, thậm chỉ còn bị bỏ bê. Việc thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ DN cũng là nguyên nhân khiến DN không mặn mà với việc đưa hàng Việt về nông thôn tiêu thụ.
 
Ông Nguyễn Đình Bẩy, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang phản ánh: Hà Giang có gần 200 xã, phường không có chợ, nhu cầu tiêu thụ hàng Việt là có. Thế nhưng khi ngành công thương chỉ đạo DN tham gia cuộc vận động thì hầu hết đều từ chối, những DN đồng ý tham gia yêu cầu tỉnh phải có cơ chế hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, kinh phí vận chuyển, bốc dỡ… mới tham gia chương trình.
 
Ông Ngô Văn Trụ, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thẳng thắn chỉ rõ, việc chỉ đạo chưa sát sao nên vẫn còn một số tỉnh, thành chưa thành lập được ban chỉ đạo. Điều này khiến công tác chỉ đạo có sự thiên lệch. "Bộ mới chỉ tổng hợp được gần 1.400 DN sản xuất máy móc thiết bị thay thế hàng nhập khẩu, nhưng việc kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng thì bỏ lửng. Trong khi quá chú trọng đến các mặt hàng tiêu dùng thì bỏ quên việc mỗi năm Việt Nam nhập siêu hàng chục tỉ USD mặt hàng này" - ông Trụ nói. 
 
Nhiều DN cũng phàn nàn việc thiếu cơ chế hỗ trợ nên khi tham gia chương trình họ bị lỗ vốn bởi phải chi trả tiền thuê mặt bằng, vận chuyển, nhân viên bảo vệ tại địa phương… Điều này khiến cuộc vận động mới chỉ thu hút được các DN nhà nước tham gia, còn DN vừa và nhỏ đang đứng ngoài cuộc.
 
Cần cơ chế hỗ trợ
 
Để cuộc vận động thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia thì yêu cầu kiên quyết là phải đề ra được cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể cũng như có kế hoạch rõ ràng. Ông Đào Minh Hải, Giám đốc Sở Công thương Thái Bình đề xuất, Ban chỉ đạo cuộc vận động nên có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể sát với thực tế trong lộ trình đưa hàng Việt về tiêu thụ tại nông thôn; Đề xuất với Nhà nước có cơ chế hỗ trợ DN về kinh phí vận chuyển, bốc dỡ, đào tạo nhân viên chuyên nghiệp; UBND các tỉnhbên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống chợ cần tạo điều kiện cho DN có mặt bằng quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ cho phép Bộ Công Thương xây dựng, triển khai "Đề án Quốc gia về phát triển thương mại nội địa" thông qua liên kết với một số ngành dịch vụ như du lịch, tài chính, vận tải… Từ đó củng cố xây dựnghệ thống phân phối hàng Việt Nam đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, giảm nhập siêu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát DN, thương nhân trong việc thực hiện các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả hàng hóa trong nước sản xuất và hàng nhập khẩu. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.