Doanh nghiệp có phần đóng góp không nhỏ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây là khẳng định của các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong buổi họp báo vừa được tổ chức tại Hà Nội.

KTĐT - Đây là khẳng định của các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong buổi họp báo vừa được tổ chức tại Hà Nội.


Cũng tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC Nguyễn Minh Mẫn đã thông báo về kết quả hoạt động trong 2 năm qua. Theo đó, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC (TTHC) đã nghiên cứu, kiến nghị hoàn thành và bổ sung gần 1.500 tên TTHC trong tổng số hơn 6.500 tên TTHC nằm trong danh mục thống kê ban đầu do các bộ, ngành, địa phương chuyển cho Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ tổng hợp, đóng góp hiệu quả vào kết quả của Đề án 30.


Cho đến nay, Đề án 30 đã đi được 2/3 chặng đường. 258 thủ tục hành chính ưu tiên có liên quan nhiều đến đời sống kinh tế - xã hội như: thuế, hải quan, cấp đăng ký kinh doanh, xuất nhập khẩu, y tế, giáo dục... thuộc gói 1 của Đề án 30, đã được Chính phủ thông qua bằng Nghị quyết 25 ngày 2/6/2010. Theo đó, sẽ cắt giảm 5.700 tỷ đồng/năm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, xoá bỏ việc hành chính hoá các quan hệ dân sự, kinh tế. Trong tổng số 258 TTHC được đơn giản hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 22 TTHC, Bộ Y tế 18, Ngân hàng Nhà nước 15, Bộ Công an 10, Bộ Giao thông vận tải 7... Đặc biệt, Bộ Tài chính có nhiều thủ tục được đơn giản nhất gồm 61 TTHC, trong đó có 41 thủ tục thuộc lĩnh vực hải quan và 20 thủ tục thuộc lĩnh vực thuế.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Để thực thi phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên đòi hỏi phải sửa đổi ít nhất 14 Luật và 3 Pháp lệnh, 41 Nghị định, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 60 Thông tư, 32 Quyết định của Bộ trưởng và một số văn bản hành chính khác. Đây cũng là cách thức ưu tiên từ nay đến cuối năm để tiến hành gói 2 với trên 5.000 thủ tục hành chính còn lại. Sẽ có hàng loạt các văn bản tiếp theo từ Luật- Pháp lệnh cho đến Nghị định, Quyết định, Thông tư... được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.


"Việc thông qua phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên vừa qua của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng và đánh giá rất cao" - ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp VN, thành viên của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC chia sẻ.


Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam ông Alan Cany cũng nhận xét, phương án được giản hóa này sau khi được đưa vào thực tế cuộc sống chắc chắn sẽ giảm đáng kể chi phí xã hội, tiết kiệm rất nhiều tiền của cho người dân và doanh nghiệp, từ đó cải thiện hoạt động đầu tư ở Việt Nam.


Đánh giá về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong cải cách TTHC, ông Mẫn cho rằng, doanh nghiệp là một trong những lực lượng nòng cốt đóng góp vào kết quả của Đề án 30. Đã có hơn 300 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào công tác rà soát của Hội đồng, con số này chắc chắn sẽ tăng lên khi Đề án 30 bước vào giai đoạn 3. Các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đã hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình, sẵn sàng "xắn tay"cùng với Chính phủ giải quyết các vấn đề của đất nước.


"Doanh nghiệp không dừng lại ở việc kêu ca, phàn nàn về Chính phủ, về các cơ quan hành chính mà đã có ý thức phải nêu lên đề xuất, nhìn nhận vấn đề từ cả góc độ quản lý nhà nước để cùng thấy những khó khăn của Chính phủ trong công tác điều hành đất nước và xây dựng pháp luật" - ông Mẫn khẳng định trước báo giới.

 

Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC là tổ chức tư vấn, hỗ trợ cho Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, là kênh chính thức để lắng nghe và thu thập các ý kiến của khối tư nhân về các vấn đề liên quan TTHC. Hội đồng gồm có 15 thành viên là đại diện cho các hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế.