Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp công nghệ số và chiến lược "Make in Viet Nam"

Quỳnh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến lược "Make in Viet Nam" những năm qua đã thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam khẳng định năng lực làm chủ công nghệ số, có tác động ảnh hưởng đến cuộc sống, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

Chiến lược "Make in Viet Nam" thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển. Ảnh: Duy Khánh.
Chiến lược "Make in Viet Nam" thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển. Ảnh: Duy Khánh.

"Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là để Make in Viet Nam" - là chủ trương, định hướng sáng tạo lớn để khơi dậy nội lực, khát vọng của đất nước phát triển trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nội dung đã được tuyên bố vào năm 2019 tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ I và đã trở thành khẩu hiệu hành động của Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Trong những năm qua, "Make in Viet Nam" đã được cộng đồng doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số hưởng ứng mà đã tạo hiệu ứng tích cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực khác; cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, định hướng sáng tạo, sản xuất các sản phẩm chất lượng của người Việt cho thị trường trong nước và định hướng toàn cầu. Các sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam" đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận và đi ra thị trường nước ngoài.

Năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số. Điều này cũng cho thấy, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những quan điểm thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới của người đứng đầu quốc gia, tạo động lực thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc, hình thành cuộc cách mạng trong chuyển đổi số để nâng cao năng lực của lực lượng sản xuất và phát triển quan hệ sản xuất phù hợp với tình hình mới của đất nước. Để làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam thì doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính là lời giải.

 

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có quan điểm làm chủ công nghệ và các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị là kim chỉ nam, khai sáng với mọi ngành nghề, không chỉ có tính thúc đẩy và thay đổi về bản chất cách thức hoạt động mà còn tác động sâu sắc đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Hiện nay, doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 157,984 tỷ USD tăng 10,20% (so với 2023), Tăng trưởng bình quân giai đoạn: 9,95%; Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; Toàn ngành có 73.788 doanh nghiệp đang hoạt động tăng 10,12% (so với 2023). Việt Nam đang được xếp hạng top đầu thế giới: (1) Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; (2) Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; (3) Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; (4) Đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; (5) Đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.

Trong bối cảnh kinh tế nói chung bị suy giảm và thị trường công nghệ thông tin nội địa chật chội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phát động chủ trương đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài vào đầu năm 2023 đã mở ra không gian mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam", khẳng định vị thế của công nghệ thông tin Việt Nam trên bản đồ thế giới, đóng góp giá trị cho ngành.

Theo số liệu tổng hợp, tính đến hết năm 2024, có gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng 26,67% so với năm 2023, với tổng doanh thu khoảng 11,5 tỷ USD tăng 53,3% so với năm 2023, trong đó đã hình thành được một số doanh nghiệp phần mềm lớn có khả năng cạnh tranh, cung cấp dịch vụ cho các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu…

Thế giới đang bước vào một cuộc cạnh tranh, chạy đua để làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số nhằm xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây là mục tiêu mong muốn của các nước phát triển và cũng là cơ hội cho các nước như Việt Nam cùng bước vào một vạch xuất phát để cạnh tranh ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Việc làm chủ các công nghệ số được xem là nền tảng quan trọng cho Việt Nam "cất cánh" vươn lên, phát triển mạnh mẽ.

Mục tiêu làm chủ các công nghệ số đã và đang được các tập đoàn công nghệ Việt Nam tập trung đầu tư nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ số cụ thể. Chỉ có làm chủ công nghệ số thì Việt Nam mới kiến tạo được nền kinh tế số phát triển vượt bậc, góp phần xây dựng xã hội cho tương lai.

Để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 tuổi và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải dựa vào công nghệ số, dựa vào các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để phát triển. Từ đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ số, làm chủ công nghệ số và làm chủ quá trình chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI rằng: “Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh. “Chiếc nỏ thần” bảo vệ Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra”.