Doanh nghiệp “đỏ mắt” ngóng giảm thuế môi trường xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gồng mình xoay sở duy trì sản xuất kinh doanh, mong ngóng từng ngày việc Nhà nước chính thức quyết định mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là tâm trạng chung của nhiều DN thời điểm này.

Doanh nghiệp ngồi trên “đống lửa”

Giá dầu thế giới tiếp tục leo thang đẩy giá xăng dầu trong nước tăng ''phi mã'', có thể tiến sát mốc 30.000 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày 11/3 đang khiến nhiều DN “đứng ngồi không yên”.

Theo đại diện Saigon Petro, hiện nay DN vẫn đang lỗ khoảng 2.300 đồng/lít xăng và khoảng 3.700 đồng/lít dầu. Giá dầu thô được dự báo tiếp tục tăng mạnh, nên hoạt động của DN càng khó khăn hơn. Tại kỳ điều hành ngày 1/3, giá bán lẻ xăng, dầu đã tăng mạnh và gần chạm mức 27.000 đồng/lít. Thời điểm đó, giá dầu thế giới ở quanh mốc 110 USD/thùng, nhưng đến nay đã tăng hơn 10 USD/thùng.

Giá xăng dầu tăng "phi mã" làm tăng gánh nặng cho người dân, DN. Ảnh: Thanh Hải
Giá xăng dầu tăng "phi mã" làm tăng gánh nặng cho người dân, DN. Ảnh: Thanh Hải

Không chỉ có Saigon Petro, nhiều DN đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, hiện họ đang ngồi trên "đống lửa" khi giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh tới gần 20% thời gian qua. Do đó, đề nghị Nhà nước có cơ chế điều hành giá xăng dầu linh hoạt hơn, có thể rút ngắn thời gian điều chỉnh giá cho phù hợp với diễn biến thị trường thế giới, và cùng với đó là sớm quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.

Để kìm giá xăng dầu, nhiều DN cùng kiến nghị phải sử dụng mạnh công cụ thuế. Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít với dầu. Tuy nhiên, mức giảm thuế bảo vệ môi trường cần phải mạnh hơn, ít nhất 50% với mức thuế hiện nay (giảm ít nhất 2.000 đồng/lít), thậm chí hơn nếu giá xăng dầu tăng cao.

Tổng Giám đốc Công ty CP Làng Rùa Tạ Văn Hùng nhận định, cần giảm mức thuế với xăng dầu cao hơn, từ 2.000 - 2.500 đồng/lít để giảm gánh nặng và áp lực cho DN. Mức giảm như đề xuất của các cơ quan chức năng là rất thấp và không có nhiều tác động. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có sự chia sẻ với DN, và phần thiếu hụt từ thu thuế xăng dầu này có thể được bù đắp bằng thuế từ giá dầu tăng lên. "Hiện nay chi phí vận tải hàng hóa, giá nguyên liệu sản xuất đầu vào cũng tăng theo giá xăng. Giá xăng ngày càng tăng mạnh, DN rất khó để phục hồi”- ông Tạ Văn Hùng chia sẻ.

Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Giá xăng dầu chiếm 35 - 40% giá cước vận tải nên khi giá tăng đã ảnh hưởng trực tiếp giá thành vận tải. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh trong kỳ điều hành ngày 11/3, DN không sức nào chịu nổi và bắt buộc phải tăng giá cước. Vì vậy, Nhà nước cần đưa ra giải pháp toàn diện, bền vững, lâu dài vì không kìm giá xăng dầu thì lạm phát tăng cao và ảnh hưởng kinh tế của cả nước”.

Giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp

Hiện mức giá xăng dầu đang phải gánh các loại thuế, phí rất lớn, trong khi sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tăng theo đà tăng của giá xăng dầu thế giới.

 

Giá xăng dầu tăng cao chắc chắn tác động tiêu cực đến mục tiêu kiềm chế lạm phát 4% trong năm nay. Do đó, phương án giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu cần được khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét ban hành. Mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cụ thể là bao nhiêu cần được Bộ Tài chính đánh giá cân đối hài hòa giữa các lợi ích để chia sẻ với người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần sớm quyết định phương án, nếu có thể thực hiện giảm thuế được thì có thể làm ngay, làm sớm. Bởi nếu giá xăng tăng lên 30.000 đồng/lít, thậm chí hơn thế thì nhiều hoạt động kinh tế như vận tải, sản xuất rất có thể bị đình trệ, người dân sẽ chịu gánh nặng lớn từ các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ sớm bàn thảo, áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, bởi đây là yếu tố tác động rất lớn giúp giảm giá xăng dầu.

Qua dịch Covid-19, DN đã chịu rất nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng liên tục nên việc Nhà nước hỗ trợ giảm các chi phí cơ bản như nguyên liệu đầu vào, giảm lãi suất, chi phí vận chuyển... có ý nghĩa lớn.

"Chúng tôi mong muốn mức giảm phải đủ lớn, đủ thiết thực mới có ý nghĩa tác động giúp DN sớm phục hồi và tận dụng cơ hội phát triển sau đại dịch"- ông Tô Hoài Nam nói.

Theo PGS TS Trần Hoàng Ngân, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng liên tục, việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần phải đủ lớn, có thể cân nhắc mức giảm tối đa là 70% so với mức thuế hiện hành, hoặc tối thiểu ở mức 50%. Sau đó tùy vào điều kiện, tình hình thực tế có thể giảm xuống 30% và khi nền kinh tế phục hồi, giá dầu thế giới ổn định lại, có thể quay trở lại áp dụng mức thuế như hiện hành. Cơ chế điều hành giá cũng cần áp dụng linh hoạt hơn, có thể 5 ngày/lần hoặc trong trường hợp giá xăng dầu thành phẩm biến động tăng giảm trên 10%, có thể điều chỉnh giá tương ứng.

“Nếu mức giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu quá nhỏ và chậm trễ áp dụng, giải pháp hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% đối với hàng hóa, dịch vụ sẽ không phát huy hết hiệu quả kích cầu như đã đặt ra. Nhìn tổng thể, mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng khi giá cả tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn” - PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần