Doanh nghiệp đợi lãi suất tiền vay giảm

Nguyễn Vũ - Hải Anh
Chia sẻ Zalo

Các ngân hàng cho biết đang thừa tiền, Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước nhiều lần chỉ đạo quyết liệt nhưng lãi vay vẫn được các ngân hàng neo ở mức cao. Rất nhiều DN “đói vốn” không thể tiếp cận tín dụng vì rào cản lãi suất và các điều kiện cho vay.

Lãi suất tiền gửi giảm nhanh, DN đợi lãi suất tiền vay giảm. Ảnh: Vietcombank
Lãi suất tiền gửi giảm nhanh, DN đợi lãi suất tiền vay giảm. Ảnh: Vietcombank

Lãi suất huy động dài hạn rơi xuống 5,5%/năm

Từ ngày 14/9, hai ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) kéo lãi suất huy động kỳ hạn xuống còn 5,5%/năm.

Cụ thể, Vietcombank điều chỉnh mức lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ còn 5,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, giảm 0,3% so với trước. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng duy trì mức lãi suất 5,5%/năm đối với khách hàng gửi tiền tiết kiệm cá nhân. Mức lãi suất thấp nhất là 3% áp dụng với kỳ hạn gửi 3 tháng.

Phát biểu tại cuộc làm việc về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của DN, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì vào cuối tuần trước, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - thừa nhận ngành ngân hàng "đang chữa bệnh thừa tiền".

Theo mục tiêu đề ra, tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 khoảng 14 - 15%. Nhưng tính đến ngày 29/8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm ngoái tăng 9,87%). Toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỉ đồng

Giảm lãi suất huy động, tăng lãi suất vay

Khi lãi suất tiền gửi giảm mạnh thế nhưng, lãi cho vay của một số ngân hàng hiện nay vẫn đang rất cao từ 10% lên 12,5%/năm.

Chị Lê Hồng Hạnh, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Rất bất ngờ cứ nghĩ ngân hàng thừa tiền và lãi suất huy động giảm còn 6%/năm, lãi suất cho vay cũng giảm theo, nào ngờ lãi vay vẫn rất cao. Tôi định vay để mua nhà ra hỏi thủ tục ở ngân hàng thì được biết, lãi suất cho vay được ngân hàng trao đổi là 11,6%/năm nếu có tài sản đảm bảo, còn không có tài sản đảm bảo thì 12,5%/năm.

Ngân hàng còn cho biết đây là mức lãi suất ưu đãi được cố định trong 24 tháng. Sau thời gian này, lãi suất sẽ thả nổi được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3 - 3,5%/năm tùy theo ngân hàng. Nói chung, lãi vay vẫn quanh mức 12%/năm khiến khách hàng như tôi vô cùng chật vật trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút như hiện nay.

Mảng cho vay tiêu dùng vẫn gặp khó hơn. Anh Tuấn Anh, công nhân trên địa bàn Hà Nội dự định vay 50 triệu đồng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong gia đình. Nhưng anh đã “choáng” khi tham khảo biểu lãi suất cho vay tín chấp tại một số ngân hàng thương mại với mức lãi suất lên đến 20%/năm, tùy từng ngân hàng.

Ngoài ra một số ngân hàng cổ phẩn ở Hà Nội còn làm “tiểu xảo” trong việc thông báo giảm lãi suất cho vay. Chẳng hạn, đưa ra mức lãi suất cho vay cực mềm chỉ 5,9%/năm và 7,7%/năm đối với cho vay mua nhà. Thế nhưng, mức này chỉ được cố định trong 3-6 tháng sau khi giải ngân. Và sau đó, lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3,5%/năm. Như vậy, lãi vay quẩn quanh đâu đó 12,5%/năm.

Theo GS. TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng, lãi suất thực (lãi suất cho vay trừ lạm phát) không thể vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cho vay trung bình của Việt Nam hiện khoảng 14%/năm, trừ lạm phát khoảng 4%/năm, như vậy lãi suất cho vay thực khoảng 10%.

Trong khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến năm 2023 chỉ 6% trở xuống. Tức là cả nền kinh tế tạo ra của cải trong năm 2023 (và nhiều năm trước đó) không đủ để trả nợ lãi vay. Nếu tình trạng này không cải thiện thì nền kinh tế sẽ kiệt quệ trong vài năm tới, thậm chí có thể ngay trong năm nay.

Lãi suất cao chính là rào cản khiến DN “không dám” vay ngân hàng dù rất “đói” vốn. Ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi cho biết, với mặt bằng lãi suất như hiện nay, công ty đã tạm ngưng vay ngân hàng. Bởi lẽ, đối với một DN sản xuất trong ngành phụ trợ, mức lãi ròng cao nhất cũng chỉ 16-17%. Do đó, DN buộc phải cân nhắc tính hiệu quả trong việc vay vốn ngân hàng ở thời điểm này.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mặc dù thực tế cả lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng đã giảm khoảng 1,4-2,6% so với đầu năm, nhưng vẫn chưa được như mong đợi của người dân, DN. Để giảm lãi suất thì các ngân hàng cũng phải căn cứ vào lãi suất huy động, chi phí vốn, tình hình nợ xấu, khả năng trích lập dự phòng...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện nay, nhiều DN muốn vay nhưng không chứng minh được điều kiện trả nợ. Nguyên tắc của ngân hàng là muốn vay phải chứng minh được khả năng trả nợ. Với nhiều DN nhỏ và vừa, trước đây, năng lực, khả năng tài chính cũng như nhiều tiêu chí khác để đáp ứng vay vốn đã rất khó thì hiện nay càng khó khăn hơn.