Doanh nghiệp đòi nợ thuê, có cần thiết tồn tại?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Xung quanh kiến nghị này đã có nhiều ý kiến trái chiều từ giới luật sư cũng như người dân.

Nên dừng dịch vụ đòi nợ thuê
Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa (đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Theo điều 7 Luật DN năm 2014 quy định về quyền của DN: Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
Nhóm đi đòi nợ thuê không mặc trang phục, đi nhiều người. Khi công an đến mới trình giấy ủy quyền từ phía chủ nợ hoặc ngân hàng. (Ảnh chụp trên đường Bình Tây, phường 1, quận 6, TP Hồ Chí Minh).
Như vậy, DN được tự do kinh doanh những ngành, nghề mà luật không cấm. Tuy nhiên, tại điều 3 của Luật này đã quy định: Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN thì áp dụng quy định của Luật đó.
Do đó, đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 74/2013/NĐ-CP. Đó là hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đầy đủ các yếu tố như: Có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp; đã quá hạn thanh toán. Đồng thời, không được thực hiện đòi các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác. Với các quy định trên thì công ty đòi nợ thuê được phép hoạt động theo Luật DN”.
Cũng theo luật sư Hồ Nguyễn Lễ, thời gian qua báo chí đã nêu ra nhiều hoạt động của các công ty đòi nợ thuê như: Thành lập nhiều nhưng ít hoạt động, hoặc hoạt động nhưng mang nhiều màu sắc đe dọa, uy hiếp, khủng bố tinh thần người nợ... nên gây mất an ninh trật tự địa phương.
Đòi nợ là một quan hệ dân sự phát sinh, khi đến kỳ hạn thanh toán mà một bên không thanh toán được hoặc không trả lại tài sản. Nếu có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

“Việc đòi nợ là một nhu cầu có thực bởi người nợ cứ chây lỳ hoặc xem thường trách nhiệm trả nợ, thách thức chủ nợ đi kiện. Do mỗi lần đi kiện rất mất thời gian và cơ hội thi hành án không cao nên chủ nợ thường tìm đến dịch vụ thu hồi nợ để xử lý người nợ. Bản thân tôi cũng không đồng tình với cụm từ “đòi nợ” mà nên sử dụng cụm từ “thu hồi nợ” và ủng hộ dừng kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê”, luật sư Lễ nói.
Không thể cấm vì tiêu cực của một số DN đòi nợ thuê

Còn luật sư Trần Thị Ánh (Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều năm gần đây loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ ra đời đã đáp ứng nhu cầu chung góp phần giải quyết những khoản nợ “khó đòi” của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực cũng có hiện tượng tiêu cực xảy ra như: Công ty đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục “xã hội đen” gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất cá nhân tổ chức khách nợ, gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng uy tín danh dự, thậm chí đe dọa, trấn áp khách nợ..., làm ảnh hưởng tình hình trật tự xã hội địa phương.
Dịch vụ đòi nợ thuê có từ lâu trên thế giới

Theo uật sư Trần Thị Ánh, thực tế một số nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức... đã có loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ rất lâu. Cụ thể năm 1977, Quốc hội Mỹ thông qua Luật quy định phương thức thu hồi nợ hợp lý, nghiêm cấm tình trạng sử dụng biện pháp đòi nợ theo kiểu trấn áp, đe dọa. Theo đó, người đòi nợ chỉ được phép liên lạc với khách nợ trong khoảng thời gian từ 8h sáng - 9h tối, không được phép khủng bố điện thoại như nhắn tin, nháy máy, không được tiếp cận khách hàng ở nơi họ làm việc...

“Trước thực trạng tiêu cực của một số DN đòi nợ thuê, thiết nghĩ cần có biện pháp chấn chỉnh, có chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm, không phải vì một số hiện tượng tiêu cực mà cấm các DN đòi nợ thuê hoạt động. Vì điều này trái Luật DN, trái Bộ luật Dân sự, bởi lẽ bản chất của việc đòi nợ là hoạt động dân sự giữa người có nhu cầu sử dụng dịch vụ và người cung cấp dịch vụ.

Trường hợp bên cung cấp dịch vụ (DN, dịch vụ đòi nợ) vi phạm điều cấm trong hoạt động kinh doanh thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Theo tôi để các DN đòi nợ hoạt động đúng luật pháp, Nhà nước cần tăng cường chức năng nhiệm vụ quyền hạn của công an trong việc quản lý, giám sát hoạt động của DN, dịch vụ đòi nợ từ khi cấp phép và trong quá trình hoạt động.

Cần có quy định nghiêm ngặt về đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp đối với người lao động trong DN đòi nợ. Theo đó, khi thực hiện các hoạt động đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu, nghiêm cấm sử dụng các hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng khách nợ khi đòi nợ. Nhà nước cũng cần xử phạt hành chính, hoặc rút giấy phép đối với DN có nhân viên vi phạm quy định”, luật sư Trần Thị Ánh nêu quan điểm.
Dịch vụ đòi nợ thuê là cần thiết

Nhiều người dân khi được hỏi đều cho rằng cần thiết phải có các DN đòi nợ thuê. Ông Đinh Quang Súy (ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết: “Lý do tôi chấp nhận thuê DN đòi nợ thuê vì nếu kiện ra tòa sẽ mất rất nhiều thời gian. Đến khi bản án có hiệu lực đưa qua thi hành án chưa chắc đã lấy lại được tài sản của mình vì con nợ đã tẩu tán từ trước! Điều này chính là kẽ hở của luật pháp. Nhiều con nợ có khả năng trả nhưng không trả, mà cũng không đi trốn, cứ ung dung sống tại địa phương như không nợ ai. Vì vậy, phương án tốt nhất là thuê DN đòi nợ thuê, dù biết có nhiều DN đòi nợ đi nước đôi”.

Cùng quan điểm với ông Súy, ông Trần Hoàng Giang (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết cần thiết có các DN đòi nợ thuê vì các DN này có pháp nhân do Nhà nước cấp phép, họ có quyền vào trụ sở con nợ để đòi. “Nếu ra tòa rất mất thời gian. Trường hợp của tôi thậm chí tòa án mời con nợ nhưng con nợ không đến tòa. Chưa kể nhiều con nợ còn thuê cả 1 lực lượng để… chống lại lực lượng đòi nợ thuê”, ông Giang nói.
Ra tòa là biện pháp văn minh nhất
“Khi quyền lợi về mặt dân sự bị xâm phạm, bên bị thiệt hại nếu không tự thu hồi nợ được thì có quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết tại tòa án có thẩm quyền, để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Xã hội ngày càng tiến bộ, tiến đến hành xử văn minh nhưng cũng không tránh khỏi chuyện vi phạm về nghĩa vụ thanh toán bởi nhiều lý do, nhiều nguyên nhân xem như là có lý cho việc thanh toán không đúng hạn dẫn đến tranh chấp.
Nhưng biện pháp văn minh nhất để giải quyết tranh chấp đó là khởi kiện tại tòa, dùng phán quyết của tòa để thi hành các quyền và nghĩa vụ của cả chủ nợ và người nợ. Hiến pháp năm 2013 đã quy định tòa án là cơ quan xét xử của nước Việt Nam. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân..., quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, một khi hệ thống pháp luật đã có biện pháp giải quyết và chế tài các quan hệ dân sự đảm bảo quyền lợi hợp pháp, văn minh của tổ chức, cá nhân thì nên áp dụng pháp luật triệt để xử lý giải quyết” - luật sư Hồ Nguyên Lễ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần