Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp gửi tiền ngân hàng: Bình thường và bất thường

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo tài chính quý III/2016 đang được nhiều DN công bố. Trong khi một số “ông lớn” ngập trong nợ nần, thua lỗ thì nhiều DN lại dư dả tiền mặt, mang đi gửi ngân hàng.

Theo các chuyên gia, việc DN duy trì số dư tiền gửi vãng lai nhất định tại ngân hàng là bình thường. Tuy nhiên, nếu lượng tiền gửi chiếm trên 20% tổng tài sản thì cần cảnh báo.
Nghìn tỷ “của để dành”
Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2016 của nhiều DN vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khá lạc quan. Do nguồn tiền dư dả, ổn định nhiều năm qua, một số DN đã đem hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng như một khoản đầu tư an toàn. Đặc biệt, trong quý III, khối các DN ngành sữa, bia, rượu, thực phẩm, tôn thép… vẫn giữ phong độ kinh doanh tốt. Bên cạnh lợi nhuận "khủng", các DN này cũng có hàng nghìn tỷ đồng tiền nhàn rỗi mang gửi ngân hàng.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Báo cáo tài chính công ty mẹ mới công bố của Tổng Công ty CP Bia -Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho thấy, sau 9 tháng, Sabeco lãi ròng 3.200 tỷ đồng và đang gấp rút niêm yết trên sàn chứng khoán từ nay đến tháng 12/2016 trước khi thực hiện thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ. Sabeco đạt 7.642 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, gấp 3,6 lần so với quý III năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp còn 1.127 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với mức 207 tỷ đồng của cùng kỳ. Lượng tiền mặt của Sabeco lên tới gần 10.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên, dưới 3 tháng.
Một “ông vua tiền mặt” khác là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (MCK:ACV) hiện đã được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM. Với 2,18 tỷ cổ phiếu, ACV là DN có vốn điều lệ lớn nhất UPCoM. Điều đáng nói là với hơn 4.350 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cùng hơn 12.500 tỷ đồng gửi ngân hàng kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới một năm, ACV thu lãi tiền gửi riêng quý III đạt 211 tỷ đồng và 6 tháng gần nhất đạt 403 tỷ đồng.
Ngoài ACV, Sabeco, danh sách các "đại gia" dư dả còn có tên Vingroup, Vinamilk, Hòa Phát… Lượng tiền gửi ngân hàng của các DN này có thời điểm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Và những cảnh báo
Có thể thấy, các "ông lớn" hoạt động trong các lĩnh vực “đẻ trứng vàng” như sữa, bia, bất động sản, hạ tầng - dịch vụ hàng không… là những DN khá dư dả tiền nhàn rỗi. Các khoản tiền gửi ngân hàng này dù chỉ đóng góp một phần nhỏ trong doanh thu và lợi nhuận DN nhưng lại khiến nhà đầu tư an tâm hơn và DN chủ động hơn trong các kế hoạch kinh doanh.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc các DN giữ một số dư nhất định trên tài khoản vãng lai là rất bình thường: “Nếu một DN giữ khoản tiền mặt trong chi tiêu thanh toán bằng mức 5% trên tổng tài sản là bình thường. Nhưng nếu găm giữ quá nhiều tiền mặt, trên 20% tổng tài sản thì lại bất thường và cần xem lại vì có thể dòng tiền đang đi sai hướng, DN không bỏ vốn vào kinh doanh mà lại để gửi lấy lãi”.
Theo ông Hiếu, lượng tiền mặt DN nắm giữ hoặc gửi ngân hàng cũng mang tính thời điểm. Vào thời điểm thu tiền về, DN sẽ có một khoản tiền gửi ngân hàng lớn. Tuy nhiên, nếu DN đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng các dự án thì lượng tiền này sẽ giảm. Ngoài ra, việc giữ tiền mặt nhiều hay ít cũng phụ thuộc nhiều vào quyết định kinh doanh của DN. Nếu cảm thấy thời điểm đầu tư không an toàn, sinh lời thấp, DN sẽ chọn gửi ngân hàng. Một vấn đề nữa cần lưu ý là một số DN Nhà nước cầm tiền nhưng để đảm bảo bảo toàn vốn lại mang tiền đi gửi thay vì đầu tư sinh lời, điều này là không phù hợp. Bên cạnh đó, không loại trừ việc có DN mang tiền gửi ngân hàng lãi cao, thỏa thuận “đi đêm” lãi suất gây méo mó cho thị trường.