Khó tiếp cận
Tại Vietcombank, lãi suất huy động online giảm ở kỳ hạn 12 tháng, bằng với mức niêm yết cho khách gửi tại quầy. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại quầy và online cùng ở mức 7,4%/năm. Lãi suất huy động niêm yết kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của Agribank lần lượt là 6,1%/năm và 7,4%/năm. Lãi suất huy động online ở các kỳ hạn này cũng được giảm xuống bằng với mức lãi suất niêm yết của ngân hàng thay vì cao hơn trước đó.
Trong tuần trước, Sacombank đã áp dụng biểu lãi suất mới và đồng loạt giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 8,4%/năm, 6 tháng ở mức 8%/năm, giảm 0,3 điểm % so với trước. Loạt ngân hàng khác như LienVietPostBank, NCB, VietABank, BaoVietBank... cũng điều chỉnh lãi suất trong 1 tuần trở lại đây.
Song song với việc hạ lãi suất đầu vào, các ngân hàng cũng đồng loạt triển khai những gói vay ưu đãi.
Techcombank công bố gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, đặc biệt các DN sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu. MB giảm 1%/năm lãi suất vay với khách hàng DN có doanh thu dưới 100 tỷ đồng áp dụng khi đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online trên nền tảng BIZ MBBank.
VietinBank công bố triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho DN nhỏ và vừa lần đầu vay vốn tại VietinBank, hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua. SeABank cũng giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh.
Một số ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất huy động và công bố chương trình giảm lãi suất cho một số lĩnh vực ưu tiên, song mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao.
Khảo sát của Công ty CP Chứng khoán SSI cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng, nhưng mức độ giảm không đáng kể. Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8 - 9,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 - 12 tháng, lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi, vẫn ở mức trung bình khoảng 12 - 16%/năm. Lãi vay ở các kỳ hạn dài vẫn neo cao.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Xuất nhập khẩu trái cây Tam Nguyên Đặng Ngọc Quý phản ánh, thông tin công bố cho thấy nhiều ngân hàng mở rộng gói vay tín dụng ưu đãi, nhưng thực tế DN không tiếp cận được. Lãi suất cho vay hiện ở mức 14 - 15%/năm chắc chắn khó cho DN, nhưng càng khó hơn khi DN chấp nhận lãi suất cao mà vẫn không tiếp cận được vốn tín dụng.
“Với những yêu cầu về doanh số, chỉ tiêu lợi nhuận… DN nhỏ, siêu nhỏ rất khó để thỏa các điều kiện mà ngân hàng đưa ra” - Nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More Nguyễn Ngọc Luận bày tỏ.
Tăng trưởng tín dụng chậm lại
Khác với năm ngoái khi chỉ vài tháng đầu năm các ngân hàng đã cạn room tín dụng, năm nay tín dụng tăng rất chậm. Mặt bằng lãi suất cao và khả năng tiếp cận khó là rào cản lớn đối với người cần vốn, nên dư nợ tín dụng được dự báo khó tăng mạnh trong quý đầu năm nay.
“Trong bối cảnh xuất khẩu giảm tốc, lãi suất cao và lạm phát, thị trường bất động sản kém khả quan là những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự kiến chậm lại” - các chuyên gia của VnDirect dự báo.
Theo thống kê của nhóm nghiên cứu MSB, trên thị trường mở tuần từ 20/2 - 24/2 NHNN đã hút ròng hơn 30.000 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở sau khi đã hút ròng ở các tuần trước đó. Giới phân tích đánh giá, việc phát hành ở kỳ hạn dài nhằm hút bớt lượng thanh khoản dư thừa trên hệ thống ngân hàng trong bối cánh tín dụng đầu năm tương đối chậm.
Động thái hút ròng trên kênh thị trường mở còn cho thấy NHNN đang có xu hướng đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn chuẩn bị cho cuộc họp của Fed vào tháng 3 tới đây.
Nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất, hiện lãi suất thực của Việt Nam hiện vẫn cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới, vì vậy NHNN cần cân nhắc hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và các DN. Khi hạ được lãi suất, tín dụng được kích cầu thì triển vọng nền kinh tế sẽ tích cực hơn.
Về tiếp cận vốn, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Bộ KH&ĐT đề nghị NHNN báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng theo hướng rút ngắn quy trình thủ tục, điều kiện cho vay, hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí vay.
NHNN cũng trình lên Chính phủ về việc sửa đổi quy định tại Nghị định số 31 nhằm đẩy mạnh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước. Chương trình này được triển khai hiệu quả cũng sẽ tác động đến khả năng giảm mặt bằng lãi suất cho vay thời gian tới.
Thông thường hành động hút tiền về là lo ngại tiền dư thừa trên thị trường làm lạm phát tăng cao. Thế nhưng, kinh tế hiện nay đang lo ngại suy thoái, chứ lạm phát không hẳn là nỗi lo lớn. Chính vì vậy, NHNN cần nới lỏng chính sách tiền tệ một chút để bơm tín dụng, giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.
TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh