Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp không được độc quyền sản xuất vàng miếng

TS Phan Văn Thường (Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền tổ chức sản xuất vàng miếng nhưng thực tế là Công ty vàng bạc đá quý SJC độc quyền sản xuất vàng miếng...

Giá vàng trong nước chênh lệch giá vàng thế giới nhiều triệu đồng từ năm 2013 đến nay gây thiệt hại lớn cho người dân và sự bất bình đẳng trong sản xuất, cung ứng vàng miếng ra thị trường… Những vấn đề này lại một lần nữa nóng lên trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Không có quy định DN, tổ chức tín dụng trực tiếp sản xuất vàng miếng. Ảnh: Thanh Hải
Không có quy định DN, tổ chức tín dụng trực tiếp sản xuất vàng miếng. Ảnh: Thanh Hải

Có được giao doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng?

Nghị định 24/2012/ NĐ-CP “ Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng” ban hành ngày 03/04/2012, có hiệu lực từ ngày 25/5/2012. Tại khoản 3, điều 4 quy định: “ Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”. Đương nhiên nói Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, nội hàm quy phạm đã ám chỉ NHNN thay mặt Chính phủ độc quyền sản xuất vàng miếng.

Điều đó khẳng định rất rõ trong nội dung điều 16 của bản Nghị định này. Tại điểm b, khoản 3, điều 16 quy định NHNN “ Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua các quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất phù hợp trong từng thời kỳ. Chi phí tổ chức sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của NHNN”.

Nội dung quy định trên có đến 2 lần khẳng định NHNN là chủ thể độc quyền trực tiếp sản xuất vàng miếng. Thứ nhất, quy định NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng, tức NHNN vừa tổ chức quản lý vừa tổ chức sản xuất vàng miếng. Thứ hai, quy định chi phí sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của NHNN, tức NHNN có trực tiếp sản xuất vàng miếng mới phát sinh chi phí sản xuất vàng miếng và chi phí này hạch toán vào chi phí hoạt động của NHNN.

Cho dù quy định tại nội dung trên có đề cập NHNN “quyết định phương thức sản xuất vàng miếng phù hợp” nhưng không có nghĩa NHNN được quyền giao/thuê một DN khác tổ chức sản xuất vàng miếng thay mình được. Theo quy định tại Nghị định này, các DN và các tổ chức tín dụng chỉ được hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng khi họ được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Nghĩa là, Nghị định 24/2012/NĐ-CP không có quy định DN, tổ chức tín dụng được trực tiếp sản xuất vàng miếng.

Như vậy cần hiểu cho rõ việc biến hóa từ độc quyền Nhà nước sang độc quyền DN về sản xuất vàng miếng, việc chọn thương hiệu vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia là do NHNN chứ Nghị định 24 không quy định như vậy.

Giải thích của Ngân hàng Nhà nước đã thuyết phục?

Việc SJC độc quyền sản xuất vàng miếng, một mặt gây thiệt hại lớn và mất niềm tin của người tiêu dùng, mặt khác tạo bất bình đẵng giữa các DN cùng kinh doanh vàng. Câu chuyện này không chỉ báo chí, DN và Hiệp hội kinh doanh vàng nhiều lần lên tiếng, mà nghị trường Quốc hội đã không ít lần nóng lên tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIII đến nay là khóa XV vẫn tiếp diễn.

Trả lời câu hỏi và câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV mấy ngày qua, Thống đốc NHNN giải thích và cho rằng trước kia chưa có độc quyền SJC, thị trường vàng gây nhiều hệ lụy, bất ổn vĩ mô cho nền kinh tế nên Chính phủ phải ban hành Nghị định 24 để chống vàng hóa, từ đó thị trường vàng và ngoại hối ổn định để Việt Nam nâng hạng trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên có thể thấy, từ năm 2013 (sau khi có Nghị định 24) đến nay, Việt Nam hạn chế được tình trạng vàng hóa là do NHNN quy định các tổ chức tín dụng phải chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng, không phải nhờ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Ngược lại, thị trường vàng bất ổn từ năm 2013 đến nay là do độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Thị trường ngoại hối ổn định là do Việt Nam đã chuyển từ quốc gia nhập siêu sang xuất siêu, chứ không phải do độc quyền sản xuất vàng miếng SJC.

Giải thích về chính sách độc quyền và việc chọn thương hiệu SJC, Thống đốc NHNN trả lời trước Quốc hội: “Thị trường lúc đó có một số thương hiệu vàng nhưng SJC chiếm 90%. NHNN cân nhắc lựa chọn thương hiệu nào để sản xuất, sau khi phân tích đánh giá chi phí và lợi ích, đưa ra một thương hiệu không phải SJC thì người dân sẽ chuyển từ SJC sang. Như vậy vô hình chung làm mất rất nhiều chi phí của xã hội”.

Nội dung phát biểu trên của Thống đốc NHNN, có mấy vấn đề cần đặt ra câu hỏi. Tại thời điểm đó (tháng 3/2012) NHNN căn cứ vào thống kê nào để kết luận SJC chiếm 90% thị phần kinh doanh vàng? Thực tế không có một kết quả điều tra thống kê nào về vấn đề này được công khai tại thời điểm đó.

Tại sao NHNN phải lo những người đang sở hữu vàng SJC tốn kém chi phí khi phải chuyển đổi vàng SJC sang thương hiệu độc quyền không phải SJC? Trong khi đó từ năm 2013 đến nay người dân thiệt hại rất lớn do vàng miếng SJC độc quyền thì NHNN không cần lo nghĩ? Điều này người ta có quyền nghi ngờ có hay không lợi ích nhóm trong đó.

Đã quá muộn chấm dứt Nghị định 24

Thứ nhất, việc Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tự quy định giá bán, giá mua vàng miếng SJC quá cao, bất hợp lý, là hành vi lạm dụng độc quyền bị cấm theo điều 27 Luật cạnh tranh năm 2018. Mặt khác, điều này trái với xu thế hội nhập, quyết tâm cải cách thể chế, đảm bảo công bằng và minh bạch kinh doanh của Chính phủ.

Thứ hai, mục tiêu ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ là chống vàng hóa. Nhưng như đã nói ở trên, thực tế việc hạn chế được tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế là do NHNN quy định các tổ chức tín dụng không được huy động và cho vay bằng vàng. Việc triển khai thực hiện Nghị định 24 của NHNN đã gây bất ổn định mới cho thị trường vàng trong nước.

Thứ ba, thiết nghĩ NHNN cần đề nghị Chính phủ quyết định dừng thực hiện Nghị định 24 và xóa bỏ thương hiệu vàng quốc gia SJC. Nhưng vàng là loại ngoại hội trong danh mục ngoại hối dự trữ quốc gia do NHNN quản lý, nên NHNN cần nghiên cứu mô hình sản xuất vàng miếng mang thương hiệu NHNN.

Sản phẩm vàng miếng NHNN dùng để dự trữ ngoại hối quốc gia và bán cho các tổ chức tín dụng khi cần can thiệp thị trường vàng. Ở đây NHNN không phải lập công ty sản xuất, kinh doanh vàng miếng mà lập công ty sản xuất vàng miếng theo mô hình công ty nhà máy in tiền quốc gia.

 

Do độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng theo kiểu “một chợ, một sân” nên SJC dường như tự tung, tự tác trong việc quyết định giá bán và giá mua vàng miếng nhãn hiệu SJC. Giá bán vàng miếng SJC hàng ngày đã bỏ quá xa giá vàng thế giới. Khoảng cách với giá vàng thế giới có lúc cao điểm đến 20 triệu đồng một lượng. Trong khi đó giá vàng miếng SJC cũng cao hơn giá vàng miếng các thương hiệu khác ở mức rất cao mặc dù cùng hàm lượng vàng nguyên chất.