Thay đổi tư duy
Thực tế minh chứng, việc ứng dụng chuyển đổi số thực sự mang lại nhiều lợi ích, góp phần hiện đại hóa quy trình hoạt động, tự động hóa, từ đó cắt giảm chi phí, mở ra những cơ hội kinh doanh mới.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và thương mại Phương Linh Trần Văn Lê cho biết, chuyển đổi số, nền tảng số, tư duy số cần được người lãnh đạo thay đổi tư duy, nắm bắt rồi lan tỏa đến nhân viên ở dưới. Khát khao học để thực hiện, cá lớn, cá đi nhanh kể cả trong lúc khó khăn như hiện nay càng cần số hóa, tái cơ cấu toàn diện.
“Đi tắt đón đầu để theo kịp sự phát triển của văn minh của loài người thì mới đảm bảo mình sống sót và phát triển bền vững. Thay đối hay là chết thực sự chưa bao giờ cấp bách như bây giờ, nhưng phải biết xuất phát, bắt đầu từ đâu cho tư duy chuyển đổi số mới là quan trọng” – vị này nói.
Do đó, nền tảng số đã và đang rất thuận lợi cho phát triển, nhưng phải lựa chọn công nghệ phù hợp và tích hợp để ứng dụng mới là quan trọng. Tốc độ sản xuất, các chỉ số để đánh giá năng suất, mọi tiện ích giúp kiểm soát một cách nhanh nhất để mang lại những giá trị tốt nhất. Bởi, khi mà môi trường thực chuyển sang môi trường ảo để thành công là rất khó và rất cần những nguồn lực con người, công nghệ cao... Doanh nghiệp nên ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số xuyên suốt cả sản xuất và kinh doanh để kịp thích ứng trước khi bị bỏ lại rất xa.
Doanh nghiệp lấy khách hàng làm trung tâm, lấy chất lượng làm nền tảng, lấy giá trị trao đi và thụ hưởng tương xứng tạo thương hiệu. Đó là tư duy để Phương Linh có một nền tảng bền vững. Theo ông, về công nghệ so với thời đầu sản xuất quạt chủ yếu là "cơ bắp", giờ chuyển đổi số, áp dụng công nghệ có thể tự hào ngang tầm đầu tư của những hãng sản xuất nổi tiếng từ châu Âu.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Công ty CP Công nghệ mới phát triển quốc tế KTS Group Hoàng Văn Ngọc nhìn nhận, đón nhận chuyển đổi số với doanh nghiệp là từ người lãnh đạo cho tới các phòng ban, rồi tới nhân viên cuối cùng phải thay đổi. Một doanh nghiệp hoạt động tốt từ quản lý nhận sự, tiếp cận và chăm sóc khách hàng tạo ra doanh thu là cả chuỗi khép kín, hoàn thiện.
Ba không để tối ưu
Để tiết kiệm thời gian, chi phí, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy cho rằng, khi ứng dụng công nghệ thông tin nên lựa chọn giải pháp từ thay đổi cách sống, cách làm cho phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Công nghệ chính là nền tảng điện toán đám mây (cloud), online...
Công nghệ số được hiểu là “ba không”. Không giấy tờ, ký số; không gặp mặt vẫn làm việc và giao dịch được; không dùng tiền mặt. Khi tham gia vào nền tảng số không thể sử dụng các phần mềm rời rạc mà có sự kết nối đồng bộ, từ bên trong giữa các nghiệp vụ tài chính kế toán, đến kinh doanh, nhân sự, sản xuất, mua bán… hướng tới văn phòng số. Còn bên ngoài là sự chia sẻ kết nối với bảo hiểm xã hội, ngân hàng, hải quan, sàn thương mại điện tử, quảng bá... dựa trên nền tảng số chứ không tự làm thủ công.
"Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu cùng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, các doanh nghiệp phải đương đầu với những thử thách mới trong cuộc đua ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa quy trình nâng cao hiệu suất kinh doanh. Việc áp dụng công nghệ chuyển đổi số trong quản lý sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp tăng cường hiệu suất, mà còn giảm thiểu tối ưu hóa tồn kho và tăng cường tính linh hoạt" - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT) Đặng Thị Hương
Doanh nghiệp không thể làm rời rạc mà cần tích hợp để có thể ứng dụng công nghệ số một cách nhanh nhất, hiệu quả. Hiện các doanh nghiệp cung cấp phần mềm made in Vietnam hoàn toàn có thể đáp ứng với những giải pháp tối ưu, chi phí phù hợp.
“Ứng dụng của Misa có thể đáp ứng được cho các phân khúc khách hàng từ lớn đến bé. Hiện Misa có khoảng 250.000 doanh nghiệp sử dụng và tích lũy, hoàn thiện để tạo ra giá trị tri thức với quy trình phù hợp. Dữ liệu qua thời gian sẽ ngày càng được tích lũy theo hệ thống bằng số hóa. Đơn cử, khi cần huy động nguồn vốn thông tin được tích hợp sẽ là cơ sở để ngân hàng, tổ chức tín dụng đánh giá độ tin cậy để giải ngân” – nữ doanh nhân nói.
Về phát triển sản phẩm trên thương trường, TS Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) cho rằng, với nhân lực mỏng doanh nghiệp nên tập trung vào các thành phố lớn, dùng công nghệ quản trị, sau đó dần dần lan tỏa chiếm lĩnh thị trường, chứ đừng tham vọng ngay một lúc đưa sản phẩm đến đủ các tỉnh thành trong nước.
Doanh nghiệp cần phải đi theo từng bước có lộ trình để chuyển đổi số. Muốn vậy, phải xác định được phân khúc khách hàng, sản phẩm dành cho đối tượng nào, hay ai cũng có thể sử dụng được, giá thành có cạnh tranh, kênh phân phối theo truyền thống hay online. “Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp theo dõi được cả quá trình vận hành quản trị, tài chính, máy móc, nhân sự, vận chuyển, bán hàng... Đó là sự tổng hòa của sản xuất, kinh doanh“ – vị này nhấn mạnh.